Mặc dù mùa khô hạn mới chỉ bắt đầu, nhưng nhiều vùng sản xuất của huyện Đạ Tẻh đã thiếu nước sản xuất. Cả người dân lẫn chính quyền địa phương đang căng mình chống hạn. Trong khi đó, dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục khô hạn và nước ở các hồ thủy lợi sẽ sớm xuống mực nước chết.
 


 

Anh Lê Văn Hải kiểm tra máy bơm nước về ruộng cứu lúa
Anh Lê Văn Hải kiểm tra máy bơm nước về ruộng cứu lúa


Bơm nước cứu lúa
 
Xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) là một trong những xã khá thuận lợi về nguồn nước tưới vì trên địa bàn xã có Hồ Thủy lợi Đạ Hàm và một số hồ thủy lợi nhỏ. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều hộ dân ở cuối kênh mương dẫn nước từ các hồ chứa này vẫn phải ra sức để chống hạn. Dù nguồn nước chưa kiệt quệ hẳn nhưng muốn có nước vào ruộng thì người dân phải chủ động bơm nước ngày đêm. Đi dọc một đoạn kênh mương nội đồng qua địa bàn thôn 6 (xã An Nhơn), cách khoảng vài trăm mét lại có một máy nổ đang bơm nước. Giữa trưa nắng, chị Vi Thị Bài (thôn 6, xã An Nhơn) vẫn xuống ruộng nhổ cỏ và canh nước chân ruộng. Nhà chị có 9 sào lúa chia làm nhiều khoảnh nhỏ nên việc bơm nước tưới cũng vất vả hơn. Chị cho biết: “Khoảnh này mới bơm nước được hai ngày nay lại khô chân rồi. Đợi bơm xong khoảnh kia lại phải quay lại bơm tiếp cho khoảnh này. Chân ruộng khô nên cỏ dại mọc cũng nhiều hơn. Từ trước Tết đến giờ không có mưa nên nguồn nước rất khan hiếm. Hồ Đạ Hàm điều tiết nước theo lịch mở 10 ngày và đóng 5 ngày nhưng nước không thể dẫn về ruộng vì đây là đoạn cuối kênh. Cứ 2, 3 ngày lại phải bơm nước vào ruộng một lần, ròng rã cả tháng nay rồi nhưng điều khiến tôi lo nhất là những ngày tới sẽ không còn nước để bơm”. Cách chỗ chị Bài không xa, anh Lê Văn Hải cũng phải gồng mình giữa cái nắng trưa để tận dụng nguồn nước ít ỏi còn lại mương tiêu để bơm về ruộng. Đưa ống bơm qua cống xả lũ để dẫn nước về ruộng, vừa bơm anh Hải vừa ngồi canh vì sợ hụt nước sẽ cháy máy bơm. Anh chia sẻ: “Cứ 2, 3 bữa thì phải bơm một ngày đêm mới đủ nước cho ruộng lúa. Mỗi lần bơm như vậy tiêu tốn khoảng mười lít dầu. Hiện tại, lúa mới chỉ được hơn một tháng nên còn phải bơm ròng rã khoảng 2 tháng nữa, không biết còn đủ lượng nước không. Năm nào cũng vậy, khu vực này đều thiếu nước nên năng suất lúa bị giảm rất nhiều”. Cũng trên địa bàn xã An Nhơn, người dân thôn 1 và thôn 2 cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Theo khảo sát của UBND xã An Nhơn, tại 2 thôn này có khoảng 150ha đất sản xuất thiếu nước tưới nên chỉ có thể sản xuất 1 vụ rau màu/năm. Trong khi đó, dự án đầu tư hệ thống kênh mương đấu nối vào hệ thống kênh chính của Hồ Đạ Tẻh đã có nhiều năm nay nhưng chưa có kinh phí để triển khai.
 
Đối với một số xã chưa có hồ thủy lợi như Đạ Lây, Quảng Trị, Hương Lâm, Đạ Pal... thì tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn. Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, do thiếu nước nên toàn bộ diện tích trồng lúa, hoa màu trên địa bàn xã không thể sản xuất vụ Đông - Xuân. Diện tích gieo trồng vụ này vào khoảng 250ha/1.000ha đất sản xuất nông nghiệp của xã. Ngay cả nước sinh hoạt của người dân cũng đang bị đe dọa thiếu trong khoảng nửa tháng tới nếu trời không có mưa. Để đối phó với tình trạng thiếu nước này, người dân thường chủ động sản xuất sớm để tận dụng lượng nước ở lòng khe suối. Đối với diện tích cây công nghiệp như điều, cà phê thì người dân khoan giếng để lấy nước tưới. Hiện, toàn xã đã có đến 50 - 60% hộ dân đã phải đào giếng khoan trong tổng số 750 hộ toàn xã. Tuy nhiên, cũng chỉ có khoảng 50/310ha điều trong xã chủ động được nước tưới, còn lại đều bị khô hạn nên năng suất bị giảm đến khoảng 40%.
 
Cấp bách chống hạn
 

Cần gần 2,8 tỷ đồng chống hạn
 
Tại buổi làm việc với đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về công tác phòng chống hạn, UBND huyện Đạ Tẻh đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, hỗ trợ cho huyện nguồn kinh phí gần 2,8 tỷ đồng để chống hạn. Nguồn kinh phí này để hỗ trợ đào 60 ao, hồ nhỏ; nạo vét suối Đạ Kho tại vị trí thượng nguồn đập dâng Công trình cấp nước sinh hoạt Đạ Pal để cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho khu vực Tôn K’Long (xã Đạ Pal); nạo vét, sửa chữa một số tuyến kênh trên địa bàn huyện. Về đề xuất này, đồng chí Phạm S cho biết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ nguồn kinh phí để huyện Đạ Tẻh chống hạn. Đồng thời, UBND huyện Đạ Tẻh và các đơn vị liên quan cũng lập dự trù kinh phí nạo vét hồ Đạ Hàm để làm cơ sở cho tỉnh xem xét, giải quyết

Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, khẳng định: “Công tác chống hạn là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Ngay từ cuối năm 2015, huyện đã xây dựng kế hoạch chống hạn cho năm nay. Hồ Đạ Tẻh và Đạ Hàm là hai hồ chủ lực phục vụ tưới trên địa bàn toàn huyện. Hiện, các hồ vẫn đảm bảo nước tưới nhưng với tình hình hạn như hiện nay thì đến tháng 5, 6 sẽ thiếu nước, nhất là tại một số khu vực cuối kênh mương và tại các hồ thủy lợi nhỏ”. Đến cuối tháng 2, mực nước tại Hồ Đạ Tẻh là 149,2m (mực nước chết là 142,5m) và Hồ Đạ Hàm là 141m (mực nước chết là 138,4m)... Với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện tại, khả năng cung cấp nước tưới cho vụ Hè - Thu năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Theo ông Lê Mậu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, trong thời gian tới, dự báo có khoảng 1.410ha cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và không có nước sản xuất. Diện tích này tập trung chủ yếu tại các khu vực cuối nguồn các công trình thủy lợi, gồm: thôn 1, 2 (xã An Nhơn), tổ dân phố 3b (thị trấn Đạ Tẻh), một số khu vực xã Quảng Trị, Triệu Hải. Đặc biệt, hạn hán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số khu vực không có công trình thủy lợi, như: xã Đạ Lây (khoảng 500ha lúa, màu bị ảnh hưởng), xã Hương Lâm, Đạ Pal (khoảng 300ha chè, cà phê bị ảnh hưởng).
 
Trước tình hình hạn hán có nguy cơ xảy ra cao, UBND huyện Đạ Tẻh đã triển khai nhiều biện pháp để chống hạn. Theo ông Bùi Văn Hùng, từ nhiều năm nay, huyện đã khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Huyện cũng đã chỉ đạo sản xuất đồng trà, đồng vụ để sử dụng tốt nguồn nước được điều tiết theo đúng lịch trình. Hàng năm, huyện đều thực hiện công tác nạo vét kênh mương để đảm bảo lưu lượng nước, tránh thất thoát. Huyện cũng đã vận động người dân đắp đập giữ nước tại các khe sông, suối, lạch hoặc đào các ao hồ nhỏ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài là cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công Hồ Đạ Lây để giải quyết nguồn nước tưới cho xã Đạ Lây và Hương Lâm. Ngoài ra, Hồ Đạ Hàm là hồ thủy lợi chủ lực trên địa bàn huyện, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 400ha lúa, hoa màu, đã được xây dựng cách đây 30 năm, do đó, cần có kế hoạch nạo vét để hiệu quả sử dụng được phát huy tối đa.

 

Theo Báo Lâm Đồng

.