Lá khoai lang, cây Culi, cây lông khỉ, tôm sú, tôm chân trắng… là những mặt hàng mà thương lái Trung Quốc đã và đang “săn lùng” tại một số địa phương của nước ta.


Đánh giá về tác hại của hành động này, Bộ Công Thương cũng cho biết, việc này đã làm ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất, hộ nuôi trồng trong nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, từ sau khi Bộ Công Thương phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài thì tình hình quản lý đã từng bước đi vào nề nếp, hạn chế các vụ lừa đảo, giật nợ, góp phần tiêu thụ thủy sản cho các hội nuôi trồng.

Mặc dù vậy, vẫn còn hiện tượng lợi dụng mở cửa, con đường du lịch, thâm nhập vào Việt Nam lén lút hoạt động thu mua nhưng đã được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Tình trạng mua nông sản "lạ" của Trung Quốc đang được kiểm soát

Mặc dù trong năm 2013, tình tình trạng thu mua ồ ạt thuỷ sản của thương lái Trung Quốc đã được các cơ quan chức năng ngăn chặn, nhưng bước sang năm 2014 tình trạng này vẫn đang được diễn ra.  Đặc biệt là những mặt hàng nông sản “lạ” như lá khoai lang, cây Culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích)….

Theo báo cáo nhanh của Ông Phạm Tứ Phương, Phó Giám đốc Sở, Chi Cục trưởng, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, hiện nay trên địa bàn có thương lái người Trung Quốc đứng ra thu mua lá khoai lang với số lượng không giới hạn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài, những tác hại của việc bán lá khoai lang non. Do đó người nông dân đã không tổ chức mua bán với thương lái người Trung Quốc.

Liên quan đến về việc có hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cây huyết đằng tại địa bàn huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc Sở, Chi Cục trưởng, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn không có hiện tượng thương lái người Trung Quốc tổ chức thu mua cây huyết đằng, mà chỉ có các đại lý thu mua cây huyết đằng là người địa phương đứng ra thu mua cho bà con đi rừng về.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Ông Trần Đăng Ninh, Chi Cục trưởng, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đến nay không có thương nhân (cá nhân) người Trung Quốc thu mua trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, mà hiện tượng nêu trên đã diễn ra từ năm 2013.

Riêng về vấn đề thu mua mầm quả tại Hà Giang, qua báo cáo nhanh của Ông Mai Văn Sướng, Chi Cục trưởng, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay không có thương nhân Trung Quốc thu mua thảo quả trên địa bàn. Để xác minh không có thông tin như các báo đã đưa tin, Đài Truyền hình tỉnh Hà Giang đã phải đưa phóng sự về việc không có hiện tượng thương nhân, người Trung Quốc thu mua thảo quả một cách ồ ạt trên địa bàn.

Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, để kịp thời ngăn chặn các hình thức thu mua nông, lâm, thủy hải sản của các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) trái phép trên lãnh thổ Việt Nam trong năm 2014, không làm ảnh hưởng đến những hộ nuôi, trồng và thực hiện đúng với các quy định pháp luật của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, ngày 12 tháng 3 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1910/BCT-TTTN về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo UBND tỉnh thành phố về hoạt động thu gom nông sản của thương nhân nước ngoài, kể cả những loại khác lạ, đồng thời nêu rõ những vướng mắc, khó khăn...

Ngoài ra, các địa phương cần phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu.
 

Theo VnMedia

.