Người tiêu dùng khi đi chợ, siêu thị không phân biệt được thực phẩm sạch - bẩn nên đa số chọn theo kinh nghiệm, cảm tính và uy tín của người bán.


Chị Mai Nguyên đi dọc các sạp hàng ở chợ Phước Long (quận 7, TP HCM) "nhắm" thực phẩm chuẩn bị bữa tối 21/4. Sau nhiều lần lật từng thớ thịt heo ở 2 sạp dò xét, chị tạt ngang sang hàng tôm mua nửa kg.

"Nhà mình chuyển sang ăn cá, tôm lâu lắm rồi. Mấy đứa nhỏ thèm thịt lắm nhưng lúc nãy thấy miếng nào miếng đó toàn nạc, tôi sợ nhiễm chất cấm. Giờ có mua phải chọn miếng thiệt nhiều mỡ, ngược lại hoàn toàn trước đây", chị Nguyên nói.

 

 Người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm sạch, bẩn. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm sạch, bẩn. Ảnh minh họa


Tuy nhiên, nữ nhân viên văn phòng cho biết vẫn không yên tâm khi chọn thủy sản làm thức ăn. "Tôi có ông anh chạy xe chở tôm cho các vựa ở miền Tây. Hôm rồi ghé nhà nghe tôi chuyển sang ăn tôm, cá, ổng cứ cười miết. Ổng nói tôi tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa vì người nuôi đổ kháng sinh xuống ao như mưa, thể nào cũng bị tồn dư, gây hại. Riết rồi không biết ăn gì luôn", người phụ nữ than thở.

Không chỉ chị Nguyên, những bà nội trợ khác cho biết cứ loay hoay trong việc chọn nguồn thực phẩm cho gia đình trong bối cảnh thực phẩm "bẩn" tràn lan. Họ không phân biệt được thế nào là thực phẩm sạch – bẩn dù tiền không thiếu. Từ bỏ thịt heo, nhiều người chuyển sang thịt bò nhưng lại gặp "heo nái tân trang thành bò" hay chỉ là thịt trâu nhập lậu. Trong khi đó tôm, cá, thịt gà từ các trại công nghiệp cũng bị cho ăn cám có hóa chất gây ung thư. Do vậy, khi đi chợ họ đành "mua bằng lòng tin", tìm đến các sạp hàng quen biết lâu năm chứ không xác định được nguồn gốc hàng hóa.

Không chỉ có thịt, hiện đa số rau xanh, củ, quả ở chợ đều bị "tình nghi" nhiễm hóa chất độc hại. Tay lựa những bó rau được đóng gói, có nhãn hiệu trong siêu thị ở quận 10, bà Minh (56 tuổi) cho biết phải thay đổi thói mua đồ ở chợ do không biết xuất xứ.

"Rau củ giờ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt nhiễm chất cấm nên vào siêu thị thì rõ ràng hơn vì có chứng nhận. Nhưng nói thiệt tôi cũng không tin tưởng nhiều đâu, tôi vài lần mua phải thịt ôi, cá ươn, trái cây úng trong siêu thị", bà Minh nói.

Đối diện vấn nạn thực phẩm "bẩn", nhiều người bỏ tiền mua máy đo tồn dư hóa chất, giá 4-7 triệu đồng để kiểm tra trước khi mua, áp dụng cả với thực phẩm trong siêu thị. Nhưng nhiều nhà khoa học nhận định, chiếc máy chỉ có liệu pháp tinh thần chứ không đảm bảo người dân có bữa ăn an toàn.

 

 Máy đo tồn dư nitrat được người tiêu dùng kiểm tra khi mua hàng. Ảnh: A.X
Máy đo tồn dư nitrat được người tiêu dùng kiểm tra khi mua hàng. Ảnh: A.X


Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, hiện thành phố có 73 doanh nghiệp, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Tổng sản lượng cung cấp cho thị trường gần 38.000 tấn một năm.

Các vườn rau, chuồng trại, ao nuôi canh tác theo chuẩn VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices), GlobalGap (Global Good Agricultural Practice) được Bộ Nông nghiệp quy định. Nông dân dựa vào các tiêu chí đưa ra và thực hiện theo từ khâu chọn giống đến chế độ chăm sóc, thú y, thu hoạch. Các quy trình này được cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt nên không có dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất cấm.

Người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ xuống giống đến thu hoạch và bảo quản. Ghi lại để phòng khi xảy ra sự cố như ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép có thể truy nguyên được nguồn gốc.

Việc thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap rất khó, tốn chi phí, sản phẩm khi thu hoạch thường không bắt mắt như làm tự do nhưng đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do quy định gắt gao nên hiện rất ít nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn này.

Các chuyên gia trong lĩnh vực An toàn thực phẩm đánh giá đây là giải pháp chống lại vấn nạn thực phẩm "bẩn" đang hoành hành hiện nay. Người dân nên tìm đến các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, an toàn, có thương hiệu để đảm bảo sức khỏe.

Một hướng đi nữa cho người tiêu dùng là các cửa hàng thực phẩm sạch do các thương hiệu lớn mở ra. Thực phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, giám sát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn và truy được nguồn gốc. Hệ thống các cửa hàng này có nhiều tại các đô thị lớn.

 

 Một vườn rau củ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: M.T
Một vườn rau củ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: M.T


Riêng việc loại bỏ chất cấm khỏi ngành chăn nuôi, PGS TS Dương Nguyên Khang - Đại học Nông lâm TP HCM - cho biết, cần chú ý đến 3 lĩnh vực là tạo con giống mới, dùng chế phẩm sinh học thay chất tạo nạc và chế độ dinh dưỡng cho đàn heo.

"Đầu tiên phải tạo ra con giống tốt, có chế độ ăn uống phù hợp. Nghiên cứu, chọn những giải pháp an toàn sinh học để làm cho gia súc tăng trưởng nhanh mà không sử dụng những chất cấm", ông Khang nói.

 

Theo Vnexpress

.