leftcenterrightdel
Ngành Hải quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi số.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO do Hải quan Việt Nam tổ chức cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, ngành Hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đồng thời, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Do đó, Hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của quá trình này.

Và trong Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 của Tổng cục Hải quan là cơ bản hoàn thành hải quan số; Hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống; đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh.

Để thực hiện các mục tiêu này, ngày 4/5/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 707/QĐ‐TCHQ về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã đề ra những giải pháp như: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung qua Cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và qua Tạp chí Hải quan điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng... Đồng thời, khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ Hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội...).

Có thể thấy, với những nỗ lực, quyết tâm, cùng những giải pháp quan trọng đến nay, công tác chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Điều này không chỉ giúp ngành Hải quan hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ghi nhận tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho thấy, để đáp ứng khối lượng công việc lớn, Cục đã chú trọng công tác hiện đại hóa, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại... Chủ động xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ công tác đặc thù của đơn vị.

Đồng thời, thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên Hệ thống quản trị nội bộ HCAS trong việc số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác, như: quản lý văn bản và điều hành công việc, theo dõi kết luận chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đánh giá phân loại cán bộ, công chức hàng tháng, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trên nhiều lĩnh vực: chính sách mặt hàng, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, mang hàng về bảo quản, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ…

Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá, như: Đề án tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái; Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động và tự soi, tự sửa tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh; đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…Trong năm 2023, Cục đã thay đổi phương pháp quản lý đối với hoạt động của các kho, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các kho, số liệu quản lý của kho và đặc biệt là kiểm tra nghiêm việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh kho theo quy định.

leftcenterrightdel
 Những kết quả trong chuyển đổi số của ngành Hải quan sẽ hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt là trong năm 2024, ngành Hải quan đã xác định là năm dấu mốc để ngành Hải quan hiện đại hoá, số hoá toàn diện, tổ chức chuyển đổi số, xây dựng Hải quan Việt Nam thông minh, hiện đại. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, nhằm tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 381/CT-TCHQ ngày 24/01/2024 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2024-2025.

Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa hải quan do yêu cầu thực tiễn cấp bách về thay thế Hệ thống VNACCS/VCIS và khó khăn về kinh phí khi kết thúc cơ chế quản lý tài chính đặc thù của Tổng cục Hải quan (từ ngày 1/7/2024) trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Chỉ thị cũng xác định cụ thể thứ tự ưu tiên trong chuyển đổi số lĩnh vực hải quan gồm: Thực hiện số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan; triển khai Dự án mở trộng Cổng Thông tin điện tử quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (giai đoạn 3); triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

Cùng với đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc. Trong đó, Tổng cục yêu cầu các đơn vị quán triệt đầy đủ các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục về chuyển đổi số; tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại: Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa hải quan, xây dựng lộ trình cho từng tháng/quý/năm, phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo thực hiện thống nhất, toàn diện trên tất cả lĩnh vực hải quan.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, năm 2024 toàn ngành Hải quan quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; Công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; Công nghệ chuỗi khối và Điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ.

Để chuyển đổi số thành công, toàn Ngành cần nghiên cứu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước tiên, cần tập trung nguồn lực thực hiện thành công xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, từ đó tạo tiền đề để tiến tới thực hiện hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh. Hệ thống sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS, là sự đột phá trong chuyển đổi số của ngành Hải quan. Đây là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan. Phấn đấu trong quý 2/2024 hoàn thành việc xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan và tiếp tục thực hiện các lộ trình tiếp theo của mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh.

Đồng thời, ngành Hải quan cần chủ trì, chủ động, tích cực trong triển khai các nhiệm vụ về thực hiện cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn và các địa bàn khác…

Minh Nhật