Ông Hoàng Quốc Vượng (Bộ Công thương) cho biết tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020 tại buổi họp báo chiều nay (ngày 18/12).

Năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

Về doanh thu bán điện của EVN và kết quả sản xuất kinh doanh điện 2018, theo ông Tuấn, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017…

“Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là  0,47%” – ông Tuấn thông tin.

 
leftcenterrightdel
Theo ông Vượng, việc có điều chỉnh giá điện không chỉ căn cứ vào các chi phí mà còn nhiều yếu tố khác. 

Ngoài ra, ông cho biết, theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí năm 2018. Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Quốc Vượng, cho biết, chi phí giá điện chiếm đến 70-75% giá thành sản xuất điện. Trong năm 2018, giá thành sản xuất 1kWh điện là 1727 và giá bán ra của EVN là 1731. “Tức là mỗi kWh điện EVN chỉ lãi có 4 đồng, nếu chạy bằng điện dầu thì giá thành cao hơn. Như vậy tỷ suất lợi nhuận của EVN không cao, chỉ có 0,4%”- ông Vượng cho hay.

Đồng thời, khẳng định, tuy tình hình tài chính của EVN sẽ gặp khó khăn nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương, EVN sẽ phải giảm chi phí tác động lên giá thành.

Cung cấp điện trong năm 2020 được đảm bảo

Đối với việc cung cấp điện trong năm 2020, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019, bám sát mục tiêu tăng trưởng  kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…

Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.

Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, khó khăn nhất là trong giai đoạn 2021-2025, có thể thiếu 7-8 tỷ kWh điện. Sẽ có những giải pháp như đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, phát triển năng lượng tái tạo,và mua từ các nước khác…

Minh Nhật