Mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) rởm nhưng kết quả mang lại chưa như mong đợi. Tình trạng MBH kém chất lượng, MBH không đạt tiêu chuẩn vẫn được bày bán tràn lan và tỷ lệ người dân sử dụng khá nhiều.
 


60% đội MBH kém chất lượng

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc chấp hành quy định đội MBH đạt chuẩn khi đi xe máy của người tham gia giao thông chưa cải thiện nhiều. “Đáng nói, tỷ lệ học sinh đội MBH tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện còn thấp (chiếm 26,2%), có địa phương chỉ 5%”. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông sử dụng các loại MBH không đạt chuẩn, mang tính đối phó khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh loại mũ này vẫn tồn tại, chưa thể dẹp bỏ. Người tiêu dùng thì chưa có ý thức, trong khi việc xử lý người tham gia giao thông sử dụng các loại MBH rởm mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 60% người tham gia giao thông bằng xe máy ở Việt Nam đội MBH kém chất lượng.

Một thời gian dài các cơ sở sản xuất MBH chính hãng của Việt Nam rơi vào cảnh đìu hiu vì không cạnh tranh được với MBH rởm. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc khá ráo riết thì tỷ lệ đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể nhưng thời gian gần đây có xu hướng chững lại. Cũng bởi vậy, số các doanh nghiệp sản xuất MBH đạt chuẩn lại teo tóp. Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, đến tháng 11-2014 cả nước chỉ còn hơn 80 cơ sở sản xuất MBH đạt chuẩn, giảm 20% so với năm 2013. Ngoài ra, cũng chỉ có 5 cơ sở nhập khẩu MBH tại Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với đó, qua kiểm tra một số hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn kinh doanh mũ có gắn tem hợp quy CR giả; MBH được nhập qua các đường trôi nổi, không có hóa đơn nguồn gốc bày bán ở các cơ sở nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh và di chuyển cơ động đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng. “Tình trạng bán mũ không phải MBH, mũ giả mạo chứng nhận hợp quy vẫn còn tồn tại và có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện xử phạt người đi xe máy đội mũ không phải MBH”, ông Nguyễn Trọng Tín lo ngại.

Kiến nghị xử phạt đội MBH rởm

Ông Lưu Xuân Bình, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về MBH, số người đội MBH đạt chuẩn đã tăng lên, nhưng ý thức của người lớn về đội MBH cho trẻ em vẫn còn thấp. “Khi có thông tin sẽ xử phạt người đội MBH kém chất lượng, người dân đi mua và đổi mũ đạt tiêu chuẩn. Nhưng khi không xử phạt, chỉ nhắc nhở, tuyên truyền thì Hà Nội lại gia tăng người đội MBH kém chất lượng. Tình trạng buôn bán, sử dụng MBH kém chất lượng vẫn diễn ra công khai”.

Thừa nhận việc người tham gia giao thông sử dụng các loại MBH không đạt chuẩn vẫn còn nhiều, ông Khuất Việt Hùng nêu nguyên nhân là do chưa bị xử phạt nghiêm nên nhiều người dân mua và sử dụng các loại mũ rởm để đội đối phó. Cùng với đó, các văn bản pháp luật để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ này còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, các loại mũ không phải MBH nhưng có kiểu dáng giống MBH không phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Các loại mũ này không phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không gắn dấu hợp quy CR. Vì vậy, không thể áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19- 7-2013 để xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh loại MBH rởm.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, trước tình trạng này, nhiều địa phương kiến nghị, nên xử phạt hành vi đội MBH giả, kém chất lượng khi tham gia giao thông và Ủy ban ATGT Quốc gia  đã tập hợp lại báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung để có chế tài, có căn cứ pháp lý nếu triển khai.
 

Theo ANTĐ

.