(BVPL) - Tại buổi họp báo Chuyên đề về kết quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) 8 tháng  năm 2015, đại diện các cơ quan chức năng đã chia sẻ nhiều thông tin về nạn hàng giả, hàng lậu lan tràn trong thời gian vừa qua. Một trong những thông tin đáng chú ý được nêu ra tại buổi họp báo là lực lượng chống buôn lậu đang gặp phải những kiểu “qua mặt” dựa trên các văn bản luật pháp cũng như các thủ đoạn tinh vi chưa từng có từ trước đến nay.
 


Con số 129.575 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hơn 6.570 tỷ đồng, khởi tố 844 vụ/989 đối tượng liên quan đã cho thấy “độ nóng” của nạn buôn lậu, GLTM, hàng giả 8 tháng qua. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, GLTM và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến rất phức tạp, tập trung tại các địa bàn trọng điểm gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp. Hiện, các đối tượng buôn lậu đã “tự thích nghi” trước sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng bằng việc hình thành các đường dây buôn lậu lớn, được tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự tham gia tiếp tay của nhiều thành phần, tầng lớp đối tượng trong và ngoài nước. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu tập trung nhiều hơn vào việc lợi dụng cơ chế, chính sách để vi phạm như: hợp pháp hoá hàng lậu bằng hoá đơn bán hàng, hoá đơn VAT, hàng miễn thuế, quà biếu hoặc “quay vòng” tem hàng nhập khẩu, hoá đơn, chứng từ. Như tại Quảng Trị, ở khu vực của khẩu Lao Bảo, hiện Chính phủ cho thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế, với nhiều mặt hàng từ bên ngoài đưa vào khu vực này. Tuy nhiên, chính sách này đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để quay vòng hàng hóa, khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát hàng tỷ đồng mỗi năm...

Kiên quyết tiêu hủy

Về thủ đoạn lợi dụng kẽ hở của luật pháp để buôn lậu, GLTM, có thể thấy, nhiều đối tượng rất “cao tay” trong việc trốn tránh trách nhiệm khi những lô hàng “nhập nha” bị bắt giữ. Các vụ buôn lậu ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác với số lượng lớn gây xôn xao dư luận được phát hiện trong vòng chưa đầy nửa tháng (từ ngày 13/8-25/8/2015) tại Đà Nẵng (gồm 3.781kg ngà voi, 4.002 kg vảy tê tê và 122kg sừng tê giác) đã cho thấy điều đó. Trong những vụ việc này, hàng lậu từ nước ngoài chuyển về cho doanh nghiệp tại Việt Nam, trên hồ sơ ghi là những mặt hàng hợp pháp như: gỗ công nghiệp, đá cẩm thạch thành phẩm…, nhưng thực tế khi phát hiện lại là hàng cấm thuộc Phụ lục I, Công ước Cites của Liên hợp quốc - danh mục những động vật hoang dã đe dọa bị tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu và tái xuất khẩu. Khi các cơ quan chức năng “truy” chủ hàng bên Việt Nam thì họ xuất trình ra hợp đồng mua bán hàng hóa đúng là… thật, còn vì sao lại có sự “nhầm lẫn” hàng hóa thì cơ quan chức năng tự ra nước ngoài mà hỏi. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian qua, các cơ quan chống buôn lậu, GLTM đã phát hiện được rất nhiều lô hàng nhập khẩu “có vấn đề”, nhưng thường ở tình trạng vô chủ.


Thêm một điều đáng ngại của lực lượng chống buôn lậu, GLTM hiện nay là hiện tượng một số người tiêu dùng tiếp tay cho dân buôn. Một cán bộ thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết, tại Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, lực lượng chức năng nhiều lần phát hiện các mặt hàng tiêu dùng được chở trên xe khách về thị xã Đông Hà thiếu tem nhập khẩu hoặc tem bị rách, thế nhưng khách mua lại khăng khăng rằng chính họ đã “khui” hàng để kiểm tra và vứt tem đi. Vị cán bộ này cho rằng, đã đến lúc công tác chống hàng giả, hàng lậu cần đuợc quảng bá rộng rãi hơn nữa, không chỉ với những hình thức răn đe, xử phạt mà phải là sự tuyên truyền vận động. “Rõ ràng là bên cạnh những biện pháp tăng cường giám sát thị truờng, chặn tận gốc nạn buôn lậu từ các cửa khẩu biên giới, các cơ quan chức năng cần “bắt bài” của giới buôn lậu trúng và đúng, bên cạnh đó, phải hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng dùng hàng thật, hàng hợp pháp…” - vị cán bộ nhấn mạnh.

Cũng theo vị cán bộ này, riêng với chính sách tiêu hủy triệt để một số mặt hàng buôn lậu thuộc diện “nhạy cảm” như thuốc lá, mỹ phẩm, sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm… cần phải làm triệt để. Trên thực tế, đã có dấu hiệu các mặt hàng này “chảy ngược” ra thị trường, làm giảm hiệu quả việc chống buôn lậu. Pháp luật quy định, khi bắt được tang vật mà không đưa vào sử dụng, bởi các tang vật đó nằm trong danh mục cấm, thì rõ ràng phải tịch thu và tiêu hủy. Việc tiêu hủy cũng mang ý nghĩa giáo dục, răn đe thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nếu như lại đưa tang vật tịch thu từ các vụ buôn lậu ra đấu thầu, có thể sẽ thu được một ít tiền nhưng sẽ “lợi bất cập hại” cho cả một “cuộc chiến” chống buôn lậu, GLTM vốn nóng bỏng từ trước đến nay…
 

Ngân Bình

.