(BVPL) - Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2012 và tín hiệu đáng mừng khi được các chuyên gia đánh giá cao bởi tăng trưởng GDP quý sau tiếp tục cao hơn quý trước.
 


Nguyên nhân chủ yếu do chính phủ đã kịp thời kiểm soát tín dụng, thắt chặt tín dụng theo yêu cầu điều hành vĩ mô. Trong khi đó, do nông nghiệp được mùa lớn trong năm 2011 và vụ đông xuân, hè thu năm 2012 lượng và giá gạo xuất khẩu giảm kéo theo giá lương thực giảm 8 tháng liền, giá thực phẩm giảm 6 tháng liền.

Tuy nhiên, CPI đã tăng trở lại trong tháng 8, chủ yếu do tăng giá xăng dầu, nhóm giáo dục và y tế. Điều này quả không đáng lo trong các tháng kế tiếp. Bởi lẽ, việc tăng gái lần này là theo lộ trình của chính phủ và nằm trong tầm kiểm soát. Những tháng tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng có thể không cao bằng tháng 9.

Tính toán sơ bộ, nếu 3 tháng cuối năm bình quân mỗi tháng tăng từ 1% trở xuống, thì cả năm sẽ tăng dưới 8,31%, đạt được mục tiêu đề ra. Và tỉ lệ này được các chuyên gia kinh tế đồng tình nhiều nhất.

Về lạm phát, ngân hàng ANZ cũng nhận định, áp lực giá cả từ nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đang giảm dần. Ngân hàng này dự báo, lạm phát sẽ chạm đáy trong quý 4 và sẽ ở mức 6-7% vào cuối năm nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà chính phủ đã đề ra hồi đầu năm, đó là giữ lạm phát dưới một con số.

Xuất siêu sau 20 năm

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Xuất siêu 9 tháng đầu năm khoảng 34 triệu USD. Như vậy là sau đúng 20 năm, nước ta mới có hiện tượng xuất siêu (năm 1992 Việt Nam cũng xuất siêu khoảng 40 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn duy trì tốc độc tăng trưởng khả quan mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến tiêu cực. Tiêu biểu như mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 120,6%, điện tử và linh kiện tăng 77,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 39%, cà phê tăng 29,5%...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và có xuất siêu đã góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ.

Tiếp nối đà tăng trưởng này, Chính phủ vừa phê duyệt kinh phí từ ngân sách nhà nước cho xúc tiến thương mại năm 2012 tăng gấp đôi so với phê duyệt hồi đầu năm. Cụ thể là đã bổ sung 50 tỉ đồng kinh phí cho hoạt động này, cộng với 50 tỷ đồng đã được phê duyệt từ đầu năm.

FDI tăng mạnh vào phía Nam

Con số trên 1,04 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 20 ngày đầu tháng 9/2012, nâng tổng vốn FDI cam kết trong 9 tháng qua lên 9,52 tỷ USD đã củng cố thêm những dự báo tích cực trước đó trong chuyển dịch thu hút vốn FDI.

Dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì thế thượng phong, khi chiếm tới 65,5% tổng vốn cam kết. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ 2 với 1,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ khoản đầu tư 1,2 tỷ USD của Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương vào đầu năm 2012.

Trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất, Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị trí số 1. Chỉ trong tháng 9, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có thêm 29 dự án, với tổng vốn gần 350 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, với 203 dự án, tổng vốn đầu tư 4,67 tỷ USD, vốn từ Nhật Bản đang chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng của năm 2012.

Xét về khu vực, dòng vốn FDI cho thấy đang đổ nhiều vào khu vực Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương… Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn tại địa phương này trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỉ USD, tăng tới 45,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Còn tại TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, riêng trong quý III/2012, có 100 dự án FDI được cấp phép, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm 2011, tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 199,42 triệu USD, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, điểm nổi trội trong thu hút đầu tư của địa phương này trong 9 tháng đầu năm là đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ và phát triển đô thị tăng mạnh, với nhiều dự án lớn, như Dự án của Tập đoàn Tokyu (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD), Dự án Aeon Việt Nam (95 triệu USD)…

Không chỉ vốn FDI đăng ký tăng, mà vốn thực hiện tại các tỉnh phía Nam cũng tăng mạnh. Đặc biệt, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tổng số vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng đầu năm tại địa phương này đã tăng thêm 850 triệu USD, gấp 2 lần so với cũng kỳ năm 2011 và tăng 6,25% so với kế hoạch thực hiện năm 2012.

 

Theo VietNamnet

.