leftcenterrightdel
 Lực lượng Hải quan kiểm tra nhằm ngăn chặn vi phạm đối với mặt hàng thép nhập khẩu. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số công văn hướng dẫn, chấn chỉnh Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát gian lận trong khai báo tên hàng, mã số, trong đó có nhiều văn bản cảnh báo rủi ro đối với mặt hàng sắt, thép nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ quan này tiếp tục nhận được một số thông tin cảnh báo hành vi khai sai tên hàng, chủng loại, mã số mặt hàng thép nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và các loại thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

Một số dấu hiệu rủi ro trong khai báo tên hàng, mã số được Tổng cục Hải quan chỉ ra đó là: Khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số để trốn thuế nhập khẩu, lợi dụng sự chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép không hợp kim giữa loại cán nóng và cán nguội, loại chưa dát phù, mạ hoặc tráng và đã phù, mạ hoặc tráng.

Khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số để trốn thuế nhập khẩu, lợi dụng sự chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi giữa mặt hàng thép không hợp kim và thép không gỉ, thép hợp kim khác.

Ngoài ra, khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số thuộc các mặt hàng không thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc đối tượng được loại trừ để gian lận trốn thuế nhập nhập bổ sung. Khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số để trốn thuế nhập khẩu, lợi dụng sự chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giữa các mã hàng…

Cụ thể như mặt hàng khai báo thép không hợp kim, cán nóng thuộc nhóm 72.08 (thuế suất MFN 0%) nhưng bản chất hàng hóa là thép không hợp kim, cán nguội thuộc nhóm 72.09 (thuế suất MFN 7%); mặt hàng khai báo thép không hợp kim, chưa dát phủ, phủ, mạ hoặc tráng, cán nóng thuộc phân nhóm 7211.1x (thuế suất MFN 0%) nhưng bản chất hàng hoá là thép không hợp kim, chưa dát phủ, phủ, mạ hoặc tráng, cán nguội hoặc loại khác thuộc phân nhóm 7211.2x hoặc phân nhóm 7211.90 có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cao hơn (thuế suất MFN 7%).

Hay mặt hàng khai báo thép không hợp kim, dạng góc, khuôn và hình khác, chưa được gia công quá mức cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn qua khuôn, nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc phân nhóm 7216.50 (ACFTA 0%) nhưng bản chất là thép không hợp kim dạng hình chữ L, chưa được gia công quá mức cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn thuộc phân nhóm 7216.21 hoặc phân nhóm 7216.40. (ACFTA 15%).

Theo số liệu thống kê, 10 tháng năm 2024, lượng nhập khẩu sắt thép đạt 14,71 triệu tấn với trị giá là 10,48 tỉ USD, tăng mạnh 38,2% về lượng và tăng 23,2% về trị giá.

Đáng lưu ý, lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc gia tăng đột biến, đạt 10,16 triệu tấn, tăng 58,9% (tương ứng tăng 3,77 triệu tấn) với trị giá đạt 6,37 tỉ USD, tăng 43,2%. Nhập từ Nhật Bản đạt 1,7 triệu tấn, tăng 4,6%; từ Hàn Quốc đạt 1,05 triệu tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều.

Chỉ riêng tháng 10 cũng đánh dấu tháng có sản lượng nhập khẩu tăng kỷ lục, với 2,41 triệu tấn, trị giá đạt 1,51 tỉ USD, tăng 55,9% về lượng và tăng 41,7% về trị giá so với tháng trước.

Do đó, để tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong khai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hoá nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các lô hàng thép nhập khẩu trên cơ sở quản lý rủi ro để lựa chọn các lô hàng/tờ khai trọng điểm, thực hiện kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

Trong quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát đối với mặt hàng, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có phát sinh vướng mắc hoặc phát hiện thêm thông tin rủi ro thì báo cáo và đề xuất phương án xử lý để kiểm soát thống nhất toàn ngành.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc nhập khẩu thép có sự tăng vọt, trong khi kim ngạch giảm đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy phải điều tra chống bán phá giá. Bộ Công thương sẽ cân nhắc tổng thể về cung cầu. Hiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì buộc phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu ồ ạt mà gây tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với thép nhập khẩu.

Minh Nhật