Lợi dụng việc nhu cầu giao dịch, thanh toán qua ngân hàng điện tử và các ứng dụng của người dân tăng cao do đang trong thời gian giãn cách để chống dịch, tội phạm đã tung hàng loạt chiêu lừa nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hàng loạt người dùng đã nhận các tin nhắn như: "Bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ phải trả hàng tháng là 2 triệu đồng. Nếu không phải là người mở dịch vụ thì bấm vào đường link để hủy".
|
|
Tin nhắn cảnh báo của ngân hàng.
|
Ngoài ra, còn có các tin nhắn với nội dung như: "Tài khoản của quý khách hiện tại đang bị khóa, đề nghị đăng nhập đường link để xác thực hôm nay", hoặc "Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập đường link để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu"; "Cần xác nhận thông tin của bạn, hoàn thành thông tin được tặng thẻ 50.000.000 đồng, mời vào đường link để xác nhận"…
Các tin nhắn mạo danh ngân hàng này nhằm mục đích lừa người dùng nhấp vào đường link khai báo thông tin cá nhân và bị tội phạm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Đáng nói là những đường link giả mạo thường chỉ khác một vài ký tự hoặc chi tiết hơn so với đường link thật của các ngân hàng nên dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Ngân hàng Nam Á khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không cung cấp các thông tin giao dịch như: tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt, mã CVV2 in tại mặt sau thẻ và các thông tin cá nhân khác thông qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai.
"Người dùng không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, các mạng xã hội và các ứng dụng khác. Đọc kỹ các tin nhắn, email, thông tin cảnh báo nhận được từ ngân hàng. Ngoài ra, cần thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc ngay khi nghi ngờ có người khác biết", Ngân hàng Nam Á cảnh báo.
Ngân hàng Vietcombank cũng cho biết, đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn Vietcombank để lừa đảo. Cụ thể, kẻ lừa đảo nhắn tin thông báo cho khách hàng với nội dung "tài khoản khách hàng đã bị khóa" rồi lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.
Còn Ngân hàng ACB cảnh báo, hiện tượng tin nhắn SMS giả mạo, lừa đảo khách hàng, đồng thời khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, username và password qua các kênh như tin nhắn, email, điện thoại, website. Do vậy, người dùng nên lưu ý nhằm tránh lọt vào bẫy lừa đảo.