Tại các thành phố lớn, kênh bán lẻ truyền thống vẫn âm thầm thể hiện quyền lực thống trị trong hệ thống phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.

 

 

Hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn là quyền lực nhất trong hệ thống phân phối. Lý do có thể vì tính thuận tiện, mạng lưới phủ sóng, sự đa dạng mặt hàng, giá cả... khiến đa số người tiêu dùng vẫn chọn mua hàng nơi chợ, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện ích...

 

Chị Hoa, Q.Tân Phú chia sẻ: “Siêu thị chỉ ghé vào cuối tuần để mua những đồ cần cho gia đình như bột giặt, giày dép quần áo, mua một số thực phẩm cần trong tuần như sữa, hàng đông lạnh, trái cây... còn hàng ngày mỗi chiều đi làm về, tôi vẫn thích ghé chợ mua vì tiện đường. Nhiều lúc về đến nhà cần gì thêm là cứ đi bộ ra tiệm tạp hóa ở gần để mua luôn”.

 

Số liệu của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho thấy bán lẻ hàng thực phẩm qua các kênh truyền thống như hộ kinh doanh ở chợ, những người bán lẻ ven đường, cửa hàng tạp hóa... chiếm 85%. Mặc dù xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng mua hàng qua siêu thị, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, có tăng lên nhưng kênh hiện đại cũng chỉ chiếm 15% trong cơ cấu kênh phân phối.

 

Bởi vậy, kênh bán lẻ truyền thống bao gồm khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ trên cả nước đóng vai trò quyết định quan trọng trong việc đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, điều này càng đúng với thị trường nông thôn, bởi hầu hết vẫn là phân phối sản phẩm từ đại lý tới các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Những công ty lớn như Vinamilk, TH true milk, Vissan đều chú trọng kênh này khi đầu tư thiết lập hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.


Tuy nhiên, kênh bán lẻ truyền thống vốn có những nhược điểm như tình trạng hàng hóa không nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả dễ dàng xâm nhập. Hơn nữa, các cửa hàng có thể vi phạm giá bán, không nghiêm túc thực hiện các chương trình khuyến mãi của nhãn hàng, không phân loại đúng hàng tại các cửa hàng bán lẻ.

 

Theo nghiên cứu của Nielsen, chỉ có 70% các cửa hàng bán lẻ truyền thống thực hiện đúng với các yêu cầu từ các nhà sản xuất trong việc phân phối sản phẩm của họ. Trong những thương hiệu được hỗ trợ bởi hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam, Hảo Hảo, Vinamilk và Coca-Cola là 3 thương hiệu hàng đầu được hỗ trợ bởi hầu hết các nhà bán lẻ, với hơn một nửa số chủ cửa hàng cho biết họ sẽ tích trữ các sản phẩm nhiều hơn, và giới thiệu các sản phẩm này cho người mua hàng.

 

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc cấp cao bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho biết: "Các nhà bán lẻ chủ yếu quan tâm đến những yếu tố tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của họ, chẳng hạn như việc dự trữ hàng hóa, lợi nhuận, hỗ trợ dịch vụ khách hàng. Điều quan trọng đối với các nhà sản xuất là làm sao có thể hiểu những mối quan tâm đó một cách thấu đáo nhất và xác định được các cửa hàng mục tiêu để đảm bảo rằng nhà bán lẻ có thể hợp tác và tích trữ các sản phẩm của họ tại cửa hàng trong suốt cả năm”.

 

Cũng theo Nielsen, ngoài sự phức tạp của kênh thương mại truyền thống, sự thành công hay thất bại của một thương hiệu hay sản phẩm nằm trong tay các cửa hàng bán lẻ truyền thống này. Do đó, doanh nghiệp cần xác định cửa hàng mục tiêu để ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng kế hoạch hợp lý nhằm tiếp cận thị trường, triển khai lực lượng bán hàng, tiếp cận cửa hàng trực tiếp hay gián tiếp và việc rót hàng. Doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ bán hàng cho cửa hàng bán lẻ phù hợp. Biến mỗi cửa hàng bán lẻ là một kênh quảng bá và bán hàng cho mình.

 

Theo Người tiêu dùng

.