Sự việc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có công văn “tố” với phía Trung Quốc về việc ít nhất 17 lô hàng với gần 300 tấn hoa quả có dư lượng hóa chất vừa qua thực tế chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
 


Theo đầu nậu này, có thông tin lượng hoa quả nhập khẩu chính thức từ Mỹ, Australia, New Zealand… chỉ chiếm 20% thị trường Hà Nội nhưng anh nhẩm tính, kể cả trái cây nhập lậu thì “kịch kim” cũng chỉ từ 10 - 15% thị phần trên địa bàn Thủ đô.

Kiểm tra kho chứa hoa quả của Công ty TNHH Dịch vụ EB tại khu CN Yên Nghĩa, Hà Đông, Công an và Thanh tra NN&PTNT Hà Nội phát hiện nhiều loại hoa quả như Kiwi, nho Australia, cam vàng Mỹ… trọng lượng 120kg đã thối hỏng, bị mốc xanh nhưng vẫn bảo quản chung với các loại hoa quả khác.

Tại thời điểm kiểm tra, công ty này không cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong bảo quản, sơ chế rau quả, thủy sản. Công ty TNHH Dịch vụ EB chuyên cung cấp các loại thủy hải sản và rau quả cho một chuỗi hệ thống siêu thị ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương…

Vừa qua cơ quan đảm trách việc kiểm tra chất lượng nông sản của Việt Nam có công văn chính thức với phía Trung Quốc, liệt kê 17 trường hợp lô hàng thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Việt Nam. Chỉ 17 lô hàng này thì trọng lượng đã vào khoảng 300 tấn. Trong số các loại trái cây nhập từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất gồm: Chanh tươi, nho tươi, hồng, táo, củ cải trắng, quýt tươi, cam tươi và cà rốt. Nhiều nhất là quýt tươi với 8 lô hàng (124 tấn) đều phát hiện dư lượng Propargite (hóa chất dùng để diệt nhện)… táo có 1 lô (40 tấn), nho quả tươi có 2 lô (20 tấn), còn lại mỗi mặt hàng có 1 lô vi phạm, khối lượng từ 6 đến 15 tấn. Hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện đều vượt mức quy định từ 0,1 - 3mg/kg bao gồm: Carbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite (dùng để diệt nhện) và Methomyl.

Câu hỏi đặt ra là với số hàng đã được “chỉ mặt đặt tên”, thì cơ quan quản lý phía Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc thông báo cho các cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra nguyên nhân, nhưng với các đường nhập khẩu tiểu ngạch không thể kiểm soát được, đã, đang và sẽ có bao nhiêu hoa quả độc thâm nhập thị trường, qua mặt cơ quan quản lý một cách “vô hình”???
 

Theo CAND