Mặc dù thời gian gần đây, vị thế của các sản phẩm trong nước đã từng bước được nâng lên, song không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi, tại sao những sản phẩm mang thương hiệu ngoại thường được bày ở những vị trí đẹp trong các siêu thị, cửa hàng… trong khi hàng Việt phải chịu lép vế, dù chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập.
Vẫn mang tâm lý sính ngoại
Dễ dàng nhận thấy tại nhiều cửa hàng, siêu thị lớn, nhỏ các sản phẩm từ nước uống giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… có xuất xứ từ nước ngoài như Anh, Mỹ, Úc, Malaysia, Thái Lan,…được bày bán khá nhiều và ưu tiên ở những vị trí dễ quan sát. Trong khi đó, những sản phẩm trong nước chỉ được bày khiêm tốn trong các kệ hàng bên trong, kém phong phú cả về mẫu mã và chủng loại. Tranh thủ mua sắm một vài loại thực phẩm và đồ dùng cho gia đình tại một siêu thị, chị Nguyễn Thanh Thuý, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, mặc dù rất muốn mua các loại thực phẩm, trái cây, đồ gia dụng có xuất xứ từ Việt Nam nhưng tìm mỏi mắt mới thấy một số ít sản phẩm nội được bày bán.
Trong khi không ít người nước ngoài chỉ chọn các loại thực phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất thì nhiều người tiêu dùng (NTD) trong nước lại cho rằng hàng ngoại đắt tiền đồng nghĩa với chất lượng tốt hơn. Lý giải cho thực tế này, không ít người cho rằng, sở dĩ họ chọn hàng ngoại vì nhiều mặt hàng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ở phân khúc mặt hàng cao cấp, hàng đòi hỏi công nghệ cao. Theo ông Trần Tấn Minh- Giám đốc một siêu thị điện máy ở quận Long Biên, đối với mặt hàng điện máy, thương hiệu Việt chưa thể cạnh tranh với các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc,... đã có tiếng trên thị trường. Các sản phẩm này luôn cải tiến công nghệ, đa dạng hóa tính năng, đổi mới mẫu mã, còn hàng Việt phần lớn vẫn đơn điệu, kém hấp dẫn.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi một số mặt hàng nước ngoài lần lượt bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý do không đảm bảo chất lượng thì các mặt hàng khác bị làm giả, làm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng vẫn tồn tại công khai. Chị Nguyễn Thu Thuỷ, chủ một cửa hàng bán quần áo và đồ phụ kiện trên phố Bà Triệu thừa nhận, cùng là một loại kính nhưng nếu được gắn mác hàng hiệu Gucci, Rayban... thì bán chạy hơn hẳn các loại kính không nhãn mác hoặc gắn các nhãn hiệu ít tiếng tăm khác. Nhiều người biết rõ đó là hàng nhái vì hàng thật không bao giờ có giá rẻ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/chiếc, nhưng họ vẫn mua vì mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp và lại được tiếng là dùng hàng hiệu.
Cần thay đổi cách tiếp cận NTD
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, vị thế của hàng Việt trên thị trường từng bước được nâng lên. Song phần lớn hàng Việt vẫn còn yếu thế so với hàng ngoại. Nhiều siêu thị công bố thị phần hàng Việt chiếm 60 - 80% lượng hàng hóa. Tuy nhiên, trong số đó có không ít mặt hàng mang thương hiệu ngoại thuộc các tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy tại Việt Nam. Những tập đoàn này chi mạnh tay cho các vị trí đẹp trên kệ hàng để thu hút NTD. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước không có đủ tiền làm quảng cáo, thực hiện nhiều khuyến mại, thuê vị trí đẹp trong siêu thị, thuê nhân viên quảng bá tới tận tay NTD... nên chỉ đứng khiêm nhường trong các kệ hàng của nhiều siêu thị.
Không chỉ “đuối” ở kênh siêu thị, tại kênh phân phối nhỏ lẻ như các cửa hàng tư nhân, các quầy hàng trong một số khu chợ truyền thống, các doanh nghiệp trong nước cũng đang phải vất vả giữ thị phần. Chị Trần Tú Lan, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng hoá mỹ phẩm trên phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm lý giải, ở hầu hết ngành hàng, các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đều chi mạnh tay cho hệ thống phân phối bán lẻ thông qua những chương trình thưởng doanh số, phí trưng bày, hỗ trợ quầy kệ, tăng chiết khấu... Bên cạnh đó là những ràng buộc để các chủ cửa hàng nhỏ lẻ “tự nguyện” quảng cáo, bán hàng cho họ. Với cách làm này, các đại lý được lợi một nhưng doanh nghiệp lợi gấp nhiều lần.
Tiến sỹ Peter Peterson- chuyên gia nghiên cứu thị trường của một công ty Đan Mạch nhận xét, việc các doanh nghiệp trong nước liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, sản xuất hàng tốt, giá rẻ chưa đủ mà phải tổ chức mạng lưới phân phối, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu để tăng thêm sự lan tỏa của hàng Việt đến với NTD. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp giải quyết nạn hàng giả, hàng nhái hiệu quả để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt.
Còn theo các chuyên gia kinh tế trong nước, NTD đang được lợi khi có cơ hội tiếp cận và lựa chọn hàng hóa một cách đa dạng hơn. Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh là điều cần thiết, bởi ngay trên sân nhà hàng Việt sẽ còn bị cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới.
Theo An ninh Thủ đô