(BVPL) - Dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nền kinh tế đang tốn hàng tỉ USD nhập khẩu mặt hàng xa xỉ này.
 


Điều đáng nói là không chỉ những người có điều kiện mà nhiều người kinh tế khó khăn nhưng vì muốn "bằng bạn bè" cũng vay mượn tiền để tậu hàng xa xỉ. Kết quả là thị trường tiêu thụ hàng công nghệ Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong dòng chảy công nghệ của thế giới nhưng sự xài sang, thích hàng ngoại của người dùng giúp các mặt hàng công nghệ mới trở nên hút hàng tại Việt Nam.

Tiêu tốn quá nhiều ngoại tệ

Thống kê của Tổng cục Hải quan chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,44 tỉ USD, tăng 92% so với cùng kỳ. Nếu tính cả số lượng điện thoại được mang về theo đường xách tay, con số này còn lớn hơn nhiều.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, dù thị trường điện thoại di động Việt Nam trong quý II/2012 có sự sụt giảm so với quý trước nhưng vẫn tăng trưởng 2 con số, ở mức 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với nhiều mặt hàng khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điện thoại di động vẫn tăng trưởng mạnh. Trong đó, 2 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là Nokia, Samsung tiếp tục nắm giữ thị phần điện thoại tiêu thụ tại Việt Nam. Nokia kết thúc quý II dẫn đầu với tổng số lượng điện thoại chiếm hơn 50% thị trường Việt Nam, còn Samsung tiếp tục thống trị thị trường smartphone Việt Nam.

Điện thoại nhập khẩu và của doanh nghiệp FDI tiếp tục chiếm lĩnh và gần như thống trị thị trường điện thoại Việt Nam một phần không nhỏ là nhờ tâm lý "sính ngoại", chạy đua theo mốt điện thoại công nghệ của người Việt.

Theo các chuyên gia kinh tế, thói quen tiêu dùng lãng phí, thích xài hàng công nghệ cao cấp, xa xỉ có phần tích cực là kích thích tiêu dùng, đem nguồn thu về cho ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... Nhưng ngược lại, theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, hàng xa xỉ về nhiều sẽ tiêu tốn ngoại tệ trong khi các ngành sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu khác cần ngoại tệ không mua được. Nguy hiểm hơn, thói quen tiêu dùng hàng xa xỉ sẽ tạo nên phong trào tiêu dùng không tốt cho giới trẻ khi chạy theo những giá trị ảo...

 

Theo Người lao động

.