leftcenterrightdel
Nhà hàng nổi tự chế trên vịnh Vũng Rô. 

Vũng Rô là vịnh biển, một thắng cảnh đẹp, cũng là tên một hải cảng, một trong những trung tâm nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn của Phú Yên. Từ đường lộ nhìn xuống, mặt biển Vũng Rô lố nhố và rối rắm với vô số lồng bè, mái tôn. Khung cảnh cho người ta liên tưởng về một làng chài trên biển! Ở Vũng Rô từ lâu đã xuất hiện những nhà hàng nổi tự chế, một dạng cơi nới của những bè NTTS.

Để tăng “hiệu lực” cho chủ trương cấm nhà hàng nổi tự chế hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước địa phương đã dựng nhiều biển cấm trên đoạn đường có nhiều nhà hàng nổi hoạt động.

Biển cấm có nội dung: “Không được kinh doanh dịch vụ ăn, uống trái phép trên các bè nổi và bè nuôi trồng thủy sản. Không được đưa, đón khách bằng ca nô trái phép trên vịnh Vũng Rô”.

Đã có biển cấm nhưng hình như các nhà hàng nổi vẫn cứ hoạt động. Bằng chứng là, các nhà hàng nổi thường xuyên có nhiều ghe thuyền, ca nô chở khách tiếp cận. Cả hoạt động quảng cáo và những “đội quân” chuyên tiếp thị, “bắt” khách trên bờ…

Đi ngang qua đoạn đường có nhiều nhà hàng nổi, lập tức có ba, bốn người vây lấy chúng tôi, chúng tôi vờ tỏ vẻ e ngại và hỏi: “Trên bờ có nhiều biển cấm như vậy, ra ngoài đó có bị cơ quan chức năng xử phạt không?”. Một trong những người đó trấn an: “Biển cấm cho có lệ thế thôi, nhưng có ai kiểm tra, xử lý đâu!”, “Các anh thấy đấy, trên vịnh này cũng có lệnh cấm nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay vẫn có hàng trăm hộ dân vẫn nuôi, chưa thấy ai nhắc nhở, cũng chưa thấy bị xử lý”...

Trao đổi về việc các nhà hàng nổi vẫn hoạt động ngay bên dưới các biển cấm, ở vịnh Vũng Rô, ông Nguyễn Trọng Tùng- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, nhà hàng nổi thực chất là một phương tiện thủy nội địa, do vậy phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định và phải được đăng ký, đăng kiểm. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên vịnh Vũng Rô hiện nay đều sử dụng loại bè nổi tự chế, hoán cải từ bè NTTS, do vậy hoạt động này không được phép. Tỉnh Phú Yên đã có văn bản cấm từ lâu và tỉnh đã giao cho UBND huyện Đông Hòa kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân hiện nay vẫn đưa đón khách du lịch ra bè và kinh doanh dịch vụ dịch vụ ăn uống.

Còn ông Hồ Văn Tiến- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Yên cho hay:Việc kinh doanh ăn uống trên nhà hàng nổi tự chế là không được phép. Trước đây, tỉnh Phú Yên đã chấn chỉnh, xử lý hoạt động này. Tuy nhiên, hiện vẫn có 8 nhà hàng nổi như thế này hoạt động đón khách trên vịnh Vũng Rô. Hiện nay nhu cầu khách du lịch ra vịnh Vũng Rô ngày càng nhiều. UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở VHTT&DL tham mưu cho địa phương quy hoạch điểm phát triển du lịch tại vịnh này.Yêu cầu nhà hàng bè nổi phải được thiết kế theo quy chuẩn, đảm bảo an toàn vận hành, khai thác và chống được gió, bão. Mặc dù địa phương đã cấm lấn chiếm xây dựng kinh doanh bè nổi và không được dùng ca nô đón khách ra vịnh Vũng Rô, nhưng vì lợi nhuận, một số người dân vẫn hoạt động lén lút, cố tình vi phạm”.

Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa thì thừa nhận vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm mặt nước vịnh Vũng Rô để nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên bè tự chế.

“UBND huyện đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền đến người dân phải thực hiện nghiêm những quy định mà tỉnh Phú Yên đã ban hành trước đó. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế và chưa ý thức hết nguy cơ thiếu an toàn tiềm ẩn khi sử dụng phương tiện thủy không theo quy định, không được đăng ký đăng kiểm vào hoạt động trên biển, nên nhiều hộ vẫn cố tình không chấp hành...”- ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Đông Hòa đã lập biên bản hàng trăm trường hợp vi phạm các vấn đề trên, đồng thời xử phạt hành chính theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động nuôi hải sản trái phép, kinh doanh du lịch bất hợp pháp trên vùng vịnh này vẫn không giảm, mà ngày càng phức tạp.

“Huyện đã tính đến phương án cưỡng chế các hoạt động trái phép trên vùng vịnh này. Nhưng trong điều kiện vịnh biển, sóng nước mênh mông khó lường, thực hiện việc cưỡng chế là rất khó khăn, tốn kém. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang triển khai quy hoạch lại việc nuôi hải sản, kinh doanh du lịch trên vùng vịnh này và sẽ cấp phép cho các hộ dân đủ điều kiện sản xuất NTTS, hoạt động dịch vụ du lịch. Như vậy, công tác quản lý sẽ thuận lợi hơn”- ông Hòa nói.

Nguyễn Huân