Ngày 18/11/2019, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để nghe báo cáo kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay; thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất bổ sung vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan vụ án vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo.

Trước đó, ngày 9/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Công ty Nhật Cường tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại... để phục vụ điều tra.

leftcenterrightdel
Vụ án liên quan sai phạm Cty Nhật Cường được BCĐ TW về PCTN theo dõi, chỉ đạo 

Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Bùi Quang Huy vừa là ông chủ của Nhật Cường Mobile, đồng thời  là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) - đối tác triển khai nhiều dịch vụ công của Hà Nội.

Ngày 14/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án số 27/C03-P14 về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Các quyết định tố tụng này đã được VKSND tối cao phê chuẩn.

Theo đó, Bùi Quang Huy, TGĐ công ty Nhật Cường; Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) đã bị khởi tố 2 tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

7 bị can còn lại bị khởi tố về tội “Buôn lậu”, gồm: Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường); Đỗ Quốc Huy (Giám đốc kinh doanh Công ty Nhật Cường); Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường); Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường); Ngô Xuân Sử (Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn); Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn) và Đỗ Văn Dũng.

Sau khi 10 bị can trên bị khởi tố, Cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với các bị can thì Bùi Quang Huy và Ngô Xuân Sử đã không có mặt tại nơi cư trú.

Tiếp tục điều tra, kết quả, ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội “Buôn lậu” đưa vào Công ty Nhật Cường và công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm “Rửa tiền” theo quy định tại điều 324 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, 10/7/2019, VKSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03), về việc ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với bị can Bùi Quang Huy (SN 1974, trú tại số 151 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), về tội "Rửa tiền" theo khoản 3, điều 324 Bộ luật Hình sự.

Bị can Bùi Quang Huy bị cáo buộc cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu; nhập lậu nhiều thiết bị điện tử sau khi móc nối với một số nhà sản xuất ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
 Bùi Quang Huy bị Interpol đưa vào truy nã đỏ

Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế với bị can Bùi Quang Huy và Ngô Xuân Sử. Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam.

Trung trướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết Bùi Quang Huy bị Interpol đưa vào truy nã đỏ.

Truy nã đỏ là một yêu cầu thực thi pháp luật có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí và bắt giữ một người phạm tội để dẫn độ. Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã của Interpol.

Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Tổng thư ký Interpol. Khi có truy nã đỏ, tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm đều được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan của hơn 190 quốc gia thành viên Interpol để kiểm soát việc di chuyển của đối tượng bị truy nã.

Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Tổng thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ.

 

 

Hà Nhân