Thời gian gần đây, tại các xã Bờ Ngoong, Ia Blang, Ia Glai, Ia Tiêm (huyện Chư Sê) - xuất hiện thương lái người Trung Quốc đi cùng phiên dịch thông qua tiểu thương địa phương thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống.


Âm mưu phá hoại?

Chính quyền địa phương cho rằng, thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu để xay rồi trộn vào sản phẩm hồ tiêu chất lượng nhằm kiếm lời, làm xấu hình ảnh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Gốc, rễ tiêu cũng có vị cay, có thể họ mua rồi làm mịn ra, trộn vào sẽ bán lợi chênh lệch thêm 50.000 - 70.000 đồng/kg. Cũng không ngoại trừ người Trung Quốc làm như vậy”, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê - nói. Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đưa ra nghi vấn - có thể người Trung Quốc mua về, chế ra các chế phẩm gây hại trên cây hồ tiêu, sau đó xuất sang Việt Nam bởi gốc, rễ hồ tiêu của những cây già cỗi tồn tại rất nhiều mầm bệnh.

Giám đốc Sở NNPTNT - ông Kpă Thuyên khẳng định: “Nếu việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu nhằm phá hoại ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Gia Lai thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế chung của cả nước”.

Theo ông Thuyên, nhằm ngăn chặn triệt để việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống, Sở NNPTNT đã phối hợp với CA, UBND huyện Chư Sê giám sát những địa phương đang xảy ra hiện tượng đào bới để kịp thời ngăn cản. “Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu các thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu có thể là một âm mưu phá hoại để bà con cảnh giác” - ông Kpă Thuyên nói thêm.

Chư Sê được xem là vựa tiêu trọng điểm của cả nước, mỗi năm mang lại hàng nghìn tỉ đồng nguồn lợi cho tỉnh Gia Lai. Việc thương lái người Trung Quốc thu mua rễ, gốc của cây tiêu còn sống theo kiểu “bình mới, rượu cũ” khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đó là hành động phá hoại của những thương lái Trung Quốc?
 

Theo Lao Động

.