Thông tin chuỗi bán lẻ Big C tại Việt Nam dự kiến sẽ được bán với giá hơn 800 triệu USD càng cho thấy, thị trường bán lẻ trong nước không phải là một cuộc dạo chơi.

 


Hiệp định TPP cũng sẽ làm thay đổi và phát triển mạnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Thông điệp của TPP đối với ngành bán lẻ chính là cơ hội và thách thức, rất nhiều thứ sẽ thay đổi, không chỉ đơn thuần các rào cản thương mại, hàng rào thuế quan… mà còn là vấn đề thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân sẽ tác động rất lớn đến thị trường bán lẻ, kể cả việc cải thiện sức khỏe nền kinh tế.

“Tuy nhiên, chắc chắn không phải doanh số bán lẻ sẽ tăng đột biến hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ ngoại chỉ sau một đêm. Tôi khẳng định rằng, chính những thành phần tham gia vào thị trường bán lẻ hiện nay sẽ giúp các nhà bán lẻ ngoại quyết định gia nhập thị trường hay không?”, ông Theodore nói.

Bởi vì các nhà làm chính sách, các nhà bán lẻ nội địa, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ, người dân… chính là những thành phần tham gia vào thị trường này sẽ giúp bán lẻ phát triển. Cụ thể, không chỉ từ góc độ kích thích kinh tế do hoạt động mua sắm đơn thuần mà là từ việc cung cấp các tiện ích nhằm làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân (chợ truyền thống chuyển sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại...), thay đổi thói quen sinh hoạt (ăn uống tại nhà hàng, vui chơi cuối tuần)...

Tiềm năng thị trường bán lẻ trong nước là có thật, thậm chí hồi năm 2008, Việt Nam từng được A.T.Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ, đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Nhưng thực tế hiện cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hoàn toàn không phải là một cuộc dạo chơi đơn thuần.

Tháng 8/2015, Công ty Tư vấn Arcadis đã công bố “Bảng xếp hạng chỉ số thị trường bán lẻ năm 2015” tại 50 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Tiêu chí xếp hạng của Arcadis dựa trên 5 nhóm tiêu chí chính là cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết lập và vận hành cơ sở kinh doanh, nhu cầu thị trường, môi trường kinh tế và môi trường kinh doanh.

Theo đó, Hồng Kông được xếp hạng là thị trường bán lẻ tốt nhất và dễ kinh doanh nhất cho các nhà bán lẻ quốc tế. Xếp ngay sau Hồng Kông là Singapore. Đặc biệt, top dưới của bảng xếp hạng xuất hiện 3 thị trường đã từng được đánh giá là tiềm năng nhất: Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Từ vị trí quán quân năm 2008, Việt Nam đã rơi xuống thứ 5 (năm 2009), thứ 14 (năm 2010), thứ 23 (năm 2011), thứ 28 (năm 2014), và hiện đã lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Không ít ý kiến cho rằng, việc rơi hạng không phanh này là minh chứng cụ thể của việc thị trường không còn được như kỳ vọng khi Việt Nam mới gia nhập WTO. Trong khi đó, môi trường kinh doanh lại không có nhiều cải thiện đáng kể, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, giá bất động sản cao, đội ngũ nhân công còn thiếu kỹ năng, và đặc biệt là có nhiều rào cản kỹ thuật.

Tổng Giám đốc một chuỗi bán lẻ quốc tế từng nói với Báo Doanh Nhân Sài Gòn rằng: “Tôi đã làm việc gần 20 năm tại khu vực châu Á với kinh nghiệm dạn dày tại các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản nhưng ở Việt Nam điều làm tôi cảm thấy đáng sợ nhất là hệ thống pháp luật”. (Từ mà ông mô tả ở đây là “unpredictable” hay “không thể dự đoán trước được”).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước đạt 1.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đáng nói là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng mỗi năm nhưng tốc độ tăng trưởng lại ngày càng giảm. Đây cũng chính là lý do mà cả 2 chuỗi bán lẻ quốc tế là Big C và Metro đều đã và đang chọn giải pháp M&A cho hoạt động kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam.
 

Theo NTD

.