Nghề dạy nghề, rồi người đi truyền nghề, qua thời gian, cả nhà gồm 2 vợ chồng và cô con gái trở thành những người thầy dạy nghề mây tre đan cho hàng ngàn phụ nữ, người khuyết tật ở 6 huyện phía Nam Lâm Đồng và Đồng Nai. Các sản phẩm mây tre đan được xuất khẩu thông qua các công ty ở Bình Dương, Biên Hòa, Tp.HCM.
Chúng tôi đến thăm cơ sở dạy nghề mây tre đan tại nhà của chị Phạm Thị Tâm, ở tổ dân phố 3 - thị trấn Madaguôi (Đạ Huoai). Tại đây, 35 phụ nữ vừa làm vừa học, có cả những người già và các cô gái trẻ đều rất chăm chú, tỉ mẩn và kiên trì.
Chất liệu đan phong phú: mây, dây nhựa, lục bình, cói, dây rừng, tre do các công ty tiêu thụ sản phẩm cung cấp và một số nguyên liệu do chị Tâm tự mua lấy. Ngoài những mẫu hàng gia công cho các công ty đặt hàng, chị Tâm tự sáng tạo thiết kế khoảng 60 mẫu hàng khác nhau với nhiều loại sản phẩm từ mây tre đan như: giỏ ovan, khay vuông, lọ bình, quả cầu mây, xe, thuyền, khay đĩa, bộ giỏ… Chị Tâm giữ vai trò là chủ cơ sở, vừa sáng tạo, vừa làm theo đơn đặt hàng và hướng dẫn dạy nghề cho các học viên. Các sản phẩm do học viên làm ra, nếu hàng xấu thì sửa lại, còn hàng đạt chất lượng thì xuất đi tiêu thụ.
Cứ 3 tháng một khóa học, khi học viên đã biết nghề, chị Tâm nhận nguyên vật liệu từ Tp.HCM về cho chị em làm gia công, rồi nhận sản phẩm cung cấp ngược về cho công ty cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Lượng hàng mây tre đan từ cơ sở chị Tâm đưa ra thị trường trị giá 200 triệu đồng/tháng, tiền công mỗi tháng chị Tâm trả cho người lao động từ 80-90 triệu đồng. Hiện cơ sở dạy nghề mây tre đan của chị Tâm giải quyết việc làm cho 20 lao động và khoảng 100 phụ nữ nhận nguyên vật liệu về làm tại nhà, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tâm (sinh năm 1959) quê ở Hải Dương có nghề dệt thảm, đan chiếu, vào Đạ Huoai lập nghiệp, ở xứ sở của nhiều tre nứa, chị Tâm bắt đầu làm đan mây tre. Từ người thợ mây tre đan với những sản phẩm có nhiều sáng tạo cung cấp cho các công ty ngoài tỉnh thu mua xuất khẩu, chị Tâm được mời dạy nghề cho người khuyết tật ở Đồng Nai 3 năm. Thấm thoắt vào nghề đã 20 năm, dạy nghề cho bà con 12 năm, chủ yếu cho phụ nữ và người khuyết tật, chị Tâm nhẩm tính đã truyền nghề cho 1.000 người ở Đồng Nai và 1.000 phụ nữ ở 6 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có 20 lớp, khoảng 35 người/lớp thuộc dự án hỗ trợ dạy nghề của ngành Lao động - TBXH và Hội Phụ nữ.
Môi trường dạy nghề và làm hàng xuất khẩu đã khơi nguồn sáng tạo cho chị Tâm, các sản phẩm chị thiết kế làm ra được thị trường ưa chuộng nên tạo được uy tín cho các đối tác làm ăn và giúp duy trì sản xuất ổn định. Chị Tâm cho biết: “Tôi cố gắng dạy cho học viên thành nghề như mình. Cứ mỗi lớp tôi chọn 1 lớp trưởng có khả năng tốt nhất để truyền hết kinh nghiệm về kỹ thuật đan mây tre, rồi các em ra nghề lại tiếp tục dạy nghề cho người khác. Cứ thế không bao giờ hết việc”. Để dạy nghề cho nhiều người, chị Tâm đã truyền hết tâm huyết nghề nghiệp cho chồng con và cả gia đình gồm 2 vợ chồng và cô con gái trở thành những giáo viên thực thụ. Bản thân chị Tâm và con gái đều trải qua lớp đào tạo dạy nghề có chứng nhận bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cho người khuyết tật của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục chuyên nghiệp - Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM. Sản phẩm tự thiết kế lồng đèn bằng mây tre của chị Tâm được VCCI (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam) trao Bằng chứng nhận Giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm Golden - V năm 2007.
Tại Hội nghị tôn vinh sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Lâm Đồng lần thứ I năm 2013, sản phẩm mây tre đan của chị Phạm Thị Tâm nằm trong số 17 sản phẩm và giải pháp sáng tạo được Hội LHPN tỉnh tôn vinh. Chị Tâm tham dự triển lãm 5 sản phẩm mây tre đan: quả cầu bằng mây, lọ cắm hoa, xe đạp, khay tròn có đế và ghế độn. Trong số 60 chủng loại sản phẩm do chị Tâm tự thiết kế, thì làm chiếc xe đạp bằng mây tre đan rất công phu, phải trải qua nhiều khâu: làm khung, ráp khung, làm giỏ… để hình thành nên một chiếc xe đạp xinh xắn được thị trường ưa chuộng, bán rất chạy hàng.
Chị Tâm cho biết: Làm nghề mây tre đan không khó, quan trọng là phải có lòng ham mê, yêu nghề để truyền dạy cho bà con. Tôi không ngại đi vùng sâu, vùng xa để dạy nghề cho bà con không thể đến xưởng học. Bà con biết nghề, dễ dàng làm được các sản phẩm mây tre đan dù tiền không nhiều. Vì làm hàng xuất khẩu nên mình phải chịu khó, cần cù, học hỏi để cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Cả gia đình tôi theo nghề giúp tăng thu nhập gia đình và giúp bà con có nguồn thu nhập thêm, đem nghề đan mây tre đến với vùng sâu, vùng xa, các cháu nhỏ cũng đan được, nghề dạy nghề, không khó lắm! Đó là một dòng chảy mà chúng tôi gọi là dòng chảy mây tre đan.
Theo Báo Lâm Đồng