|
|
Trụ sở Chi cục Hải quan Móng Cái. |
Khốn khổ vì "luật ngầm"
Từ cuối năm 2020, một số vướng mắc trong quy định quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất được tháo gỡ. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính… kết quả, nhiều doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh tạm nhập tái xuất và hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người lao động, đóng góp lớn vào thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp, niềm vui trên sớm bị dập tắt. Hiện nay, doanh nghiệp đang khốn khổ vì “luật ngầm” đang diễn ra trong hoạt động tạm nhập tái xuất trên địa bàn TP Móng Cái. Để xác minh thông tin, làm rõ những phán ánh trên, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã nhiều ngày thâm nhập tìm hiểu hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Chủ một doanh nghiệp (xin được giấu tên) phản ánh, từ cuối năm 2020 đến nay, một người có tên là V.N. đứng ra tập hợp 3 doanh nghiệp thành lập Hợp tác xã (viết tắt HTX) để “chi phối” hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Người đứng sau HTX luôn tự giới thiệu là có mối quan hệ mật thiết với “chức sắc” và khoe khoang có thể “bao luật” những container hàng từ cửa khẩu Mộc Bài về Móng Cái. Trong HTX có 3 đầu mối đang đứng ra nhận “luật” là doanh nghiệp T.B, doanh nghiệp của A.B.P và 1 nhân vật tên T.S.Đ với công ty con H.D, công ty L.Đ. P và một người tên T.T.B.
Phương thức của HTX là "mời" các doanh nghiệp phải tham gia và tuân theo “luật chơi” của HTX đề ra. Đó là, doanh nghiệp nào tham gia, khi mở tờ khai hải quan phải nhắn tin báo trước cho người của HTX biết số tờ khai, số container hàng, số kiện hàng. Sau đó, người của HTX nhắn tin báo lại cho biết tờ khai hải quan của doanh nghiệp có được phê duyệt hay không. Khi hàng hóa được thông quan, doanh nghiệp phải “chi luật” cho HTX. Số tiền đóng luật sẽ phụ thuộc vào số lượng hàng.
Còn doanh nghiệp không tham gia vào “luật chơi” của HTX, nghĩa là không chịu “chi luật” thì khi mở tờ khai đẩy lên hệ thống hải quan thì tờ khai lúc bị trả về, khi treo trên hệ thống… khiến hàng hóa chậm thông quan, thậm chí không thể thông quan.
Doanh nghiệp Q.K cho biết, lúc đầu doanh nghiệp bức xúc không tham gia vào HTX vì phải đóng một khoản tiền vô lý vài trăm triệu 1 container hàng. Doanh nghiệp tự mở tờ khai nhưng nhiều lần không được thông quan, khiến doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, nên bất đắc dĩ phải tham gia vào HTX.
“Thường HTX sẽ thu 200 tệ – tương đương hơn 700 nghìn tiền Việt Nam trên 1 kiện hàng. Để có thể “đi” được 1 công hàng khoảng 1.000 kiện hàng hóa, doanh nghiệp tạm nhập tái xuất sẽ phải “đóng luật”... Cách thu “tiền luật” của bọn chúng rất tinh vi. Đưa tiền cho người của HTX khi hàng hóa được thông quan ra Đồn 4. Thường thì doanh nghiệp phải đóng luật trước cho một đầu mối bên TQ” – Chủ doanh nghiệp Q.K phản ánh.
Để chứng minh những phản ánh của mình, chủ doanh nghiệp Q.K đã cung cấp cho phóng viên những tin nhắn trao đổi “báo luật” cho người của HTX và tin nhắn báo lại có được “thông quan” hay không và những tài liệu mà doanh nghiệp cho rằng có “lợi ích nhóm” trong hoạt động tạm nhập tái xuất ở Móng Cái.
|
|
Tin nhắn doanh nghiệp "báo luật" với HTX để mở tờ khai. Ảnh DN cung cấp. |
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã chuyển những phản ánh trên đến Chi cục Hải quan Móng Cái và đề nghị đơn vị này xác minh làm rõ đúng, sai. Ông Lê Trí Dũng – Đội trưởng Đội thủ tục của Chi cục Hải quan Móng Cái đã ghi nhận và cung cấp thông tin doanh nghiệp tự mở tờ khai và đẩy lên hệ thống. Sau đó, lãnh đạo Chi cục Hải quan sẽ phân công cán bộ kiểm tra hồ sơ tờ khai. Nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ được xác nhận phê duyệt tờ khai, còn nếu thiếu sẽ hồi báo lại doanh nghiệp. Trong vòng 2h sẽ hồi báo trên hệ thống cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên cũng có đặt lịch làm việc với Cục Hải quan Quảng Ninh. Trao đổi với ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, Cục Hải quan có nghe thông tin dư luận, về thông tin phóng viên phản ánh sẽ báo cáo Cục trưởng.
Phóng viên cũng trao đổi với ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này và đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo làm rõ.
Vậy, có hay không doanh nghiệp tạm nhập tái xuất ở Móng Cái, Quảng Ninh khốn khổ vì “luật ngầm”? Đề nghị chính quyền, Cục Hải quan Quảng Ninh, cơ quan Công an vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ, để doanh nghiệp an tâm hoạt động, kinh doanh theo quy định pháp luật.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Ngày 8/1/2021, Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài Chính) đã có văn bản hỏa tốc số 47/TCHQ-GSQL, do Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải Quan Mai Xuân Thành đã ký, gửi Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh về việc: Thủ tục hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi Kho ngoại quan. Theo đó, Tổng Cục Hải quan đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp vướng mắc về việc các Chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh không giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất (bao gồm hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan), hàng gửi kho ngoại quan đang lưu giữ tại các địa bàn khác không thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tổng Cục Hải quan yêu Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện như sau: Về cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất: Từ 1/1/2021 thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 09/2020 TT-BTC ngày 14/5/2020 của Bộ Công thương quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan.
Về thủ tục hải quan, căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Thông tư số 09/2020 TT-BTC ngày 14/5/2020 của Bộ Công thương và Điều 81 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Điều 91 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 56 Điều 1 Thông tư số 39/2015/TT-BTC), để thực hiện thủ tục hải quan thống nhất đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa gửi kho ngoại quan, theo đúng quy định của pháp luật.
|