Câu chuyện kỳ quặc này đang tồn tại ở các công trình thuộc Gói thầu số 6.2 - Cải tạo hồ 2 (hồ Phương Liệt, Khương Trung 1& 2, Tân Mai) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Công trình đã hoàn thành 3 năm chủ đầu tư không bàn giao cho đơn vị quản lý
Có mặt tại hồ Khương Trung 1, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy 6 chiếc cột đèn lắp ở đường dạo quanh hồ đã bị gẫy đổ xuống mặt hồ, có những cột đèn giờ đây chỉ còn trơ lại mỗi chân đế, còn thân cột đã bị lấy mất, có những cột đèn bị lấy cắp mất nắp hộp kỹ thuật, lòi hết cả dây điện ra ngoài, không chỉ mất thẩm mỹ mà sẽ rất nguy hiểm cho người đi bộ; những chiếc cọc tiêu ven hồ cũng đã han rỉ mà không được sơn lại.
Xung quanh đường dạo ven hồ đoạn thì cỏ mục um tùm, đoạn thì trở thành nơi đổ rác của những người dân sống gần đó. Có những cây xanh trồng ven hồ cũng đã bị nhổ mất, chỉ còn trơ lại mỗi cái bồn. Trạm biến áp đặt ở một góc cũng bị một cây liễu khá to đè hết cả cành lên mà không được cắt tỉa, sẽ rất nguy hiểm khi mưa bão, hộp điện cũng đã han rỉ.
Vì sao một công trình được đầu tư nhiều tỉ đồng nhưng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ Khương Trung 1 nằm trong gói thầu số 6.2 - Cải tạo hồ 2 (hồ Phương Liệt, Khương Trung 1& 2, Tân Mai).
Trong buổi làm việc với chúng tôi, nhà thầu là Công ty CP Thiết bị và Vật liệu xây dựng Hancorp cho biết ngày 19/12/2016, nhà thầu thi công hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Theo hợp đồng, công trình bảo hành 24 tháng, vì vậy đến ngày 19/12/2018 là kết thúc bảo hành công trình. Sau đó, Cục Giám định chất lượng Bộ Xây dựng đã kiểm định chứng nhận công trình đảm bảo chất lượng, kỹ thuật đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Thời điểm kết thúc bảo hành, nhà thầu đã có các văn bản mời Ban QLDA đi kiểm tra hiện trường để xác nhận kết thúc bảo hành công trình. Nhưng Ban QLDA không đi và không có ý kiến trả lời, và không trả lời về hạng mục điện chiếu sáng. Đối với hạng mục Trạm biếp áp hồ Khương Trung 1 &2 mặc dù Công ty Điện lực Thanh Xuân, Công ty Điện lực Hoàng Mai đang quản lý sử dụng 2 trạm biếp áp, tuy nhiên không đồng ý tiếp nhận. Việc này thuộc trách nhiệm của Ban QLDA và đơn vị sử dụng.
Nhà thầu có nguy cơ phá sản
Không chỉ bỏ mặc cho các hạng mục ở công trình xuống cấp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội còn cố tình không làm thủ tục thanh toán cho nhà thầu.
Ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc Hiện trường Gói thầu số 6.2 – Cải tạo hồ 2 (Phương Liệt, Khương Trung 1&2, Tân Mai), cho biết Hợp đồng số 01/2010/CP-6.2 có thời gian thực hiện từ tháng 10/2010 đến 5/2012 hoàn thành. Do không giải phóng được mặt bằng thi công nên phải ra hạn đến 30/9/2016. Ngày 19/12/2016, công trình đã hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư. Do thời gian thi công kéo dài làm phát sinh thêm nhiều chi phí không có trong phạm vi hợp đồng đã ký.
Ban QLDA đã phải báo cáo Sở Xây dựng xin bổ sung chi phí cho gói thầu. Sau đó, Sở Xây dựng đã báo cáo và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương điều chỉnh giá bổ sung cho khối lượng công việc được bàn giao mặt bằng thi công năm 2015 và bổ sung các chi phí phát sinh khi gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Tuy nhiên, những chỉ đạo này sau đó không được lãnh đạo Ban QLDA thực hiện.
|
|
Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đến hết thời gian bảo hành, trở nên xuống cấp như thế này nhưng vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý. |
Theo ông Việt, cho tới thời điểm này, Ban QLDA vẫn không hoàn tất các thủ tục, hồ sơ thanh toán khiến nhà thầu đang bị “giam” hơn 25,3 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% thuế VAT) tại dự án này khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn, ảnh hưởng nghiêm trong đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
UBND thành phố yêu cầu làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan
Theo đại diện Công ty Hancorp, sau nhiều lần đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội hoàn tất hồ sơ để thanh toán nhưng không được giải quyết, doanh nghiệp đã phải làm văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, trong đó nêu ra 5 nội dung:
Thứ nhất, phần bàn giao mặt bằng tháng 10/2015 hồ Khương Trung 1 có giá trị điều chỉnh giá bổ sung hơn 3,129 tỷ đồng, Sở Xây dựng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung nhưng Ban QLDA chưa ký phụ lục hợp đồng, chưa thanh toán.
Thứ hai, phần bàn giao mặt bằng tháng 3/2015, hồ Khương Ttrung 1 có giá trị điều chỉnh giá bổ sung hơn 5,621 tỷ đồng; tư vấn đã kiểm tra dự toán bổ sung nhưng Ban QLDA chưa trình Sở Xây dựng phê duyệt, chưa ký phụ lục hợp đồng và chưa thanh toán cho nhà thầu.
|
|
Công trình hoàn thành 2 năm nhưng nhà thầu vẫn đang phải đi đòi nợ. |
Thứ ba, chi phí phát sinh do kéo dài thời gian thi công vì chậm bàn giao mặt bằng với giá trị đề nghị hơn 5,532 tỷ đồng; Ban QLDA đã làm việc với nhà thầu và có văn bản báo cáo Sở Xây dựng báo cáo giá trị sau kiểm tra. Tháng 11/2016, Sở Xây dựng đã chấp thuận và yêu cầu, hướng dẫn làm rõ thêm nhưng Ban QLDA chưa có văn bản giải trình, làm rõ, chưa ký phụ phụ lục hợp đồng và chưa thanh toán cho nhà thầu.
Tứ tư, phần hồ Tân Mai bàn giao mặt bằng ngày 22/5/2015 có giá trị điều chỉnh bổ sung hơn 1,586 tỷ đồng. Tư vấn đã xác nhận giá trị chênh lệch nhưng Ban QLDA chưa trình Sở Xây dựng phê duyệt, chưa ký phụ lục hợp đồng và chưa thanh toán cho nhà thầu.
Thứ năm, giá trị nhà thầu đã thi công là hơn 9,453 tỷ đồng nhưng dù hết thời gian bảo hành, Ban QLDA vẫn chưa nghiệm thu, thanh toán.
Sau khi nhận phản ánh của doanh nghiệp, ngày 6/5/2019 và ngày ngày 14/6/2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA xem xét, giải quyết 5 kiến nghị của doanh nghiệp.
Ngày 2/7/2019, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước,, thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng đã ký văn bản số 717/ BQL-GS báo cáo UBND thành phố về gói thầu 6.2. Tuy nhiên, trong báo cáo này, Ban QLDA đều đổ lỗi cho việc chậm trễ thanh toán là do lỗi của đơn vị tư vấn và nhà thầu.
|
|
Công văn của UBND TP Hà Nội |
Trong buổi làm việc với PV, đại diện Công ty Hancorp bức xúc cho biết khi nhận được văn bản này, họ rất bất ngờ với những giải trình của ông Nguyễn Văn Hùng. Vì vậy, cực chẳng đã, doanh nghiệp lại phải làm văn bản “tố” sự không trung thực, trốn tránh trách nhiệm của lãnh đạo Ban QLDA lên lãnh đạo thành phố.
Ngày 4/9/2019, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có công văn gửi các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, Công ty Hancorp.
Theo đó, Văn phòng UBND thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét kiến nghị của Công ty Hancorp về việc thanh toán, quyết toán gói thầu 6.2; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đói với việc chậm thanh toán, quyết toán gói thầu 6.2, báo cáo UBND thành phố trước ngày 20/9.
Cần phải nhắc lại rằng đây là văn bản thứ 4 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu giải quyết dứt điểm việc này.
Với văn bản chỉ đạo lần thứ 4 của UBND thành phố Hà Nội, với sự vào cuộc của các sở liên quan, doanh nghiệp hy vọng những sai phạm của lãnh đạo Ban QLDA trong việc chậm thanh toán ở gối thầu này sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp với chính quyền thành phố.