Điều hành xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều đánh giá cho rằng đang quay trở lại cơ chế cũ: giá xăng thế giới giảm thì trong nước lại tăng. Đặc biệt, tình trạng này thấy khá rõ trong kỳ điều hành xăng dầu vào ngày 5/4 vừa qua.

 


Cụ thể, trong kỳ điều hành này, mặc dù bình quân giá thành phẩm thế giới với mặt hàng dầu diesel giảm 0,172 USD/thùng, tương ứng giảm 0,4% nhưng cơ quan điều hành vẫn cho phép tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn từ 983 đồng/lít lên 1.017 đồng/lít với mặt hàng này để giữ ổn định giá.

Tương tự, với mặt hàng dầu hoả, giá bình quân thành phẩm thế giới đối với dầu hoả giảm 0,628 USD/thùng, tương ứng giảm 1,4%. Và lẽ ra giá thế giới giảm thì giá trong nước có cơ hội giảm theo nhưng liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục đồng ý cho chi sử dụng quỹ bình ổn với mặt hàng này 887 đồng/lít để… giữ ổn định giá.

Cũng phải lưu ý thêm, trong kỳ điều hành vào ngày 5/4, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu bình quân áp dụng cho các mặt hàng xăng dầu tăng so với kỳ trước đó. Trong đó, thuế nhập khẩu với các mặt hàng dầu diesel tăng đặc biệt mạnh từ 0,6% lên 2,32% trong khi dầu hoả được giữ nguyên ở 0%.

Liên quan tới công tác điều hành giá xăng dầu, để bịt "lỗ hổng chính sách" trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu, trước đó, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá).

Tuy nhiên, một loạt thay đổi trong chính sách thuế với xăng dầu về việc lấy thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền của quý trước để áp dụng cho cả quý tiếp theo hiện nay đang gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, cách điều chỉnh thuế mới của Bộ Tài chính, qua 2 - 3 kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất cho thấy đã lộ ra nhiều bất cập và đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay.

"Trước đây, theo Nghị định 84/NĐ-CP về điều hành xăng dầu, cứ 30 ngày, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ xem xét điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nhưng chính vì thời hạn 30 ngày là quá dài, dẫn đến khi điều hành, giá xăng dầu trong nước hay ngược chiều thế giới: Giá thể giới giảm, ta lại tăng và ngược lại nên đã thay bằng Nghị định 83/CP (ban hành năm 2014), điều hành ngắn hơn: 15 ngày/lần và tiến tới thị trường hoá hoàn toàn", một chuyên gia phân tích.

"Nhưng đến nay, theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính, tính mức thuế để áp dụng cho cả một quý, rồi quý sau lại xét mức ở quý trước thì hoá ra, việc điều hành xăng dầu lại quay lại cơ chế như trước, thậm chí còn trễ hơn, lạc hậu hơn. Điều này rất không ổn", ông này nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng phương pháp tính thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014, chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Cũng có quan điểm cho rằng cách tính thuế này sẽ gây dư luận là việc điều hành giá xăng dầu thiếu tính công khai, minh bạch và chưa giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dù vậy, trong một công văn gửi lên Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính bác bỏ quan điểm này và cho rằng thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở, mà mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu ổn định theo quý (lấy quý trước tính cho quý sau) cũng tương tự như việc lấy theo bất kỳ một mức thuế nhập khẩu nào, ví dụ như thuế nhập khẩu ưu đãi hay thuế nhập khẩu đặc biệt.

Bộ Tài chính lại cho rằng nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi như thời gian trước thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà báo chí từng phản ánh.

Còn nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi vì không phải tất cả xăng dầu khi nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất; nhất là sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không muốn bị lỗ nên chỉ nhập xăng dầu từ nguồn được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất. Trong khi đó nguồn cung không đáp ứng đủ sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

"Trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Bộ Tài chính khẳng định.
 

Theo Dân trí

.