Nếu như 5 năm trước, người tiêu dùng chưa mặn mà với các mặt hàng sản xuất trong nước thì nay hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường cũng như niềm tin của người tiêu dùng.

 

 

Hơn 80% người dân ưu tiên dùng hàng Việt

Chị Thủy Tiên (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) cho biết: “Tôi cũng như nhiều bà con khác do ở vùng nông thôn rất mù mờ về giá trị, xuất xứ của sản phẩm. Các món hàng mua gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người bán, tức bán gì thì mua nấy. Nhưng nay, nhờ có các phiên chợ hàng Việt liên tục về nông thôn, tôi có cơ hội biết và dùng hàng Việt nhiều hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Lệ (xã Hòa Minh – huyện Tuy Phong) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên sử dụng các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì giá rẻ. Tuy nhiên qua các kênh thông tin đại chúng, chúng tôi đã ít, nhiều biết đến sự nguy hiểm của những mặt hàng này đối với sức khỏe. Do đó, 2 năm trở lại đây, chúng tôi mua bất cứ sản phẩm nào đều hỏi người bán nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tin tưởng lựa chọn hàng Việt để sử dụng”.

Giờ đây, xu hướng sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng đã dần tăng lên, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm các mặt hàng cơ khí, điện tử. Đơn cử như các mặt hàng đồ dùng học tập. Theo khảo sát, tại nhiều cửa hàng, nhà sách trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm đồ dùng học tập phục vụ năm học mới trên thị trường khá phong phú, đa dạng cả về kiểu dáng, mẫu mã lẫn chất lượng. Những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 70% thị phần. Ngoài ra, nhận thấy được sự nguy hại từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khoẻ của con em mình, nhiều bậc phụ huynh đã thận trọng hơn trong việc lựa chọn đồ dùng học tập, ưu tiên mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín trong nước. Do đó, thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng e ngại hàng Trung Quốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và xuất xứ cho nên nhiều cửa hàng cũng không nhập nhiều như trước. Chính vì thế, các nhãn hiệu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà, Hải Tiến... được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả tích cực, cuộc vận động vẫn còn những mặt chưa làm được. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức cuộc vận động; các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt còn chung chung, thiếu đồng bộ, một số DN trong nước chưa mặn mà với các sản phẩm nhỏ nên tạo điều kiện cho các sản phẩm nhập ngoại “lấn sân” thị trường. Còn xảy ra tình trạng các đơn vị, DN chưa tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường; chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, cùng với tình trạng hàng gian, hàng giả… khiến một bộ phận người tiêu dùng chưa tin tưởng vào hàng Việt và vẫn còn tâm lý sính ngoại. Thời gian tới, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu thông qua nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm để đủ lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

 

Theo Báo Bình Thuận

.