(BVPL) - Tháng 1/2015, thị trường bán lẻ trong nước buộc phải mở của hoàn toàn cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới theo như cam kết với tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, không phải chờ đến thời điểm đó mà từ nhiều năm nay, các siêu thị, tập đoàn bán lẻ ngoại từ âm thầm đến công khai đã liên tục mở rộng thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ được lợi, tuy nhiên ngành phân phối thì lại lo ngại thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có lúc phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài, và doanh nghiệp nội sẽ bị thôn tính ngay trên sân nhà.
 


Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, những tên tuổi nổi tiếng trong  lĩnh vực bán lẻ của thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như: Aeon của Nhật Bản, Auchan của Pháp, lotte của Hàn Quốc…. và sắp tới có thể là Wall- mart của Mỹ hay Central- Group đến từ Thái Lan.

“Vòi bạch tuộc” vươn xa

Gần đây nhất, Lotte bắt đầu vươn “vòi bạch tuộc” tiến ra Hà Nội sau khi mở 6 siêu thị ở phía Nam. Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc này đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống gồm 60 trung tâm thương mại trong vòng  6 năm tới tại Việt Nam với số vốn lên đến hàng tỷ đô la Mỹ. Theo ông Đinh Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm bán lẻ Lotte Mart Đống Đa cho biết: Dân số Việt Nam với 90 triệu người, với số dân trẻ rất lớn và thu nhập bình quân đầu người trên 2000USD/năm… là những thuận lợi, tiềm lực rất lớn hỗ trợ cho thị trường bán lẻ. Hai “ông lớn” Big C và Metro Cash&Carry cũng không ngừng vươn vòi chiếm lĩnh thị phần. Big C mặc dù đã có 24 siêu thị trên cả nước, nhưng vẫn không ngừng mở rộng. Không tiết lộ cụ thể số siêu thị mở mới hàng năm, song đại diện Big C Việt Nam cho biết: Sẽ không hạn chế số lượng nếu có cơ hội tốt. Metro Cash&Carry hiện có khoảng 20 siêu thị, nhưng tốc độ thâm nhập và mở rộng vẫn ngày một gia tăng. Sự kiện Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015 và tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) lý giải cho sự xuất hiện ngày càng nhiều của các  siêu thị ngoại, ngoài việc mở cửa thị trường còn là hàng rào thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wall-Mart của Mỹ mới đây cũng khẳng định sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Wall-Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TPP. Với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wall-Mart tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD hàng từ Trung Quốc. Nếu vào Việt Nam Wall-Mart sẽ là đối thủ lớn của các nhà bán lẻ khác. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2010 siêu thị ngoại mới chỉ chiếm 15% thì năm 2012 đã tăng lên  gần 40%.

Cạnh tranh từ âm thầm đến công khai

Các thương hiệu lớn đã vào Việt Nam theo nhiều con đường, có thể là hợp tác liên danh, hoặc mua đứt cổ phần của doanh nghiệp trong nước. Chuyên gia phân phối Phan Thế Ruệ nhận định, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên quyết liệt từ âm thầm đến công khai. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ âm thầm tìm hiểu thị trường và đặc biệt là tận dụng luật pháp Việt Nam về sáp nhập, chuyển nhượng mua bán doanh nghiệp để vào Việt Nam. Và thực trạng này đang hiện hữu khi có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhượng quyền cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và họ có được vị trí thống trị trong số cổ phần đó. Cách đây 6 năm, Lotte đã vào Việt Nam bằng cách liên doanh với một doanh nghiệp trong nước, sau đó họ mua lại toàn bộ cổ phần và trở thành doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc và cạnh tranh công khai tại Việt Nam. So với các đại gia bán lẻ khác như Big C, Metro, quy mô và mức độ chuyên nghiệp của Lotte chưa bằng, tuy nhiên Lotte hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Điều này giúp Lotte thêm tự tin để mở rộng thị phần tại thị trường Việt Nam. Doanh số năm 2013 của Lotte tại thị trường Việt Nam là 2.540 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, dù không còn trong Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được coi là thị trường nhiều tiềm năng. Không những thế, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm 25% thị phần, tương đối thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%... Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng lên 45%, vì vậy cơ hội khai thác thị trường còn rất lớn.

Theo quy hoạch của Bộ Công thương tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị tức là tăng gấp đôi so với năm 2011. Chỉ còn hơn 7 tháng nữa là đến thời điểm Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị tường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO, cuộc cạnh tranh được cho là mới chỉ bắt đầu.
 

Trần Mai

.