leftcenterrightdel
 

Theo một đại diện lãnh đạo Khu Quản lý Đường thủy nội địa thì, nguyên nhân sạt lở bước đầu có thể do lưu lượng nước lớn, trước khi xảy ra sạt lở trước đó có mưa lớn, làm cho mức độ xung yếu của dòng chảy ảnh hưởng đến mái kè. Tuy nhiên, theo kỹ sư Hoàng Thanh Tùng, chuyên gia về xây dựng đê kè  thì có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc sạt lở. Theo kỹ sư này, vụ sạt lở có thể do nguyên nhân chủ quan như sau: Do địa chất không đúng thực tế dẫn đến thiết kế sai làm sạt lở. Cụ thể, khảo sát địa chất không kỹ (hạn chế khảo sát nhiều hố khoan) nên đánh giá sai về địa chất, có thể trúng vùng đất yếu. Nhưng đơn vị tư vấn thiết kế lại thiết kế công trình theo địa điểm đất tốt dẫn đến kết quả sai.

Như vậy, phải xem bên thiết kế đã khảo sát địa hình, địa chất chưa? Nếu đã có khảo sát thì sẽ có mẫu lớp đất, địa chất, thành phần thế nào, thấm hay không thấm, từ đó sẽ đưa ra các biện pháp thiết kế cho đúng. Nếu bên đơn vị thiết kế đảm bảo các yếu tố đó thì chuyển sang tìm nguyên nhân ở đơn vị thi công.

Nguyên nhân thứ hai, có thể đơn vị thi công làm không đúng chất lượng. Chẳng hạn, nếu móng kè có cọc phía dưới mà cọc không đủ chịu tải sẽ bị lún, dẫn đến sạt lở. Tương tự, nếu móng đè trực tiếp lên nền đất thì do không đầm lèn kỹ, không đánh giá đúng nền đất trước khi đổ bê tông (hay còn gọi là hệ số K, hệ số K càng lớn thì càng chặt).

Về nguyên nhân khách quan là do yếu tố thời tiết (mưa lớn) thì theo vị kỹ sư này, khi thiết kế công trình đều tính toán khả năng chịu đựng lượng mưa ở một mức độ nào đó. Nếu trường hợp mưa “quá lớn”, vượt quá khả năng dự toán trong thiết kế thì có thể làm sạt lở.

Tuy nhiên, vị kỹ sư này nêu quan điểm, nguyên nhân: “Do lưu lượng nước lớn, mức độ xung yếu của dòng chảy ảnh hưởng đến mái kè” thì cũng hơi khó. Nếu do mưa lớn làm lưu lượng nước lớn làm sạt lở thì chỉ có thể sạt lở ở một điểm chứ không thể sạt lở dàn trải dài đến 160m kè như vậy. “Theo kinh nghiệm của tôi thì phỏng đoán hệ số K, tức độ đầm chặt nền đường, chưa đảm bảo. Tuy nhiên, muốn biết chính xác hệ số K đảm bảo hay không cần thì thuê đơn vị thí nghiệm độ nén, độ đầm để kiểm tra”- vị kỹ sư này cho biết.

Trước thực trạng một công trình quy mô với số tiền lớn chưa xây dựng xong đã bị sụp đổ khiến cho dư luận thắc mắc về chất lượng của công trình, tay nghề của nhà thầu và nhiều nghi vấn khác được người dân đặt ra; đồng thời yêu cầu các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không giao khoán cho nhà thầu có năng lực yếu kém, để nguồn ngân sách Nhà nước được đầu tư đúng chỗ, tránh lãng phí.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.


Hoàng Long