Huyện Cần Giờ - TP HCM:
Sạt lở 160 m bờ kè – tính mạng người dân bị đe dọa
Cập nhật lúc 12:19, Thứ tư, 20/06/2018 (GMT+7)
Ngày 16/6/2018, bờ kè tuyến Tắc Sông Chà (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM ) đã xảy ra vụ sạt lở bờ kè nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân sống ven sông - những nơi có hiện tượng sạt lở - đang nơm nớp lo sợ. Tại địa điểm sạt lở vẫn chưa thấy xây kè lại, đất đang trượt xuống sông từng ngày.
Các cư dân ở khu vực này bất bình cho biết bờ kè mới khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2016, tiến độ thi công rất chậm, ì ạch đến giữa 2018 mới xong. Không có kè thì đành chịu nhìn bờ sông sạt lở, đằng này đã xây kè rồi cũng sạt. Bao nhiêu tiền tỷ trôi xuống sông và tính mạng người dân đang bị đe dọa.
|
|
Bờ kè mới được xây xong không bao lâu đã bị sạt lở |
Được biết, vụ sạt lở kéo dài khoảng 160m thuộc dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà dài gần 600m bờ kè do Khu quản lý đường thuỷ nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM quản lý và được thi công bởi Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, với tổng kinh phí đầu tư gần 160 tỷ đồng. Trước đó vào khoảng 23h ngày 7/8/2017, tại ấp 3 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM xảy ra sự cố sạt lở 40m bờ kè xuống rạch Cây Khô thuộc dự án chống sạt lở bờ kè hạ lưu cầu Phước Lộc. Dự án do Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM quản lý và Công ty Cổ phần Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương làm đơn vị thi công. Công trình này còn đang thi công, chưa nghiệm thu nên chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải thi công lại đến khi hoàn chỉnh.
|
|
Sự cố sạt lở 40m bờ kè xuống rạch Cây Khô thuộc dự án chống sạt lở bờ kè hạ lưu cầu Phước Lộc |
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết về vụ việc: “Hiện nay thì chúng tôi cũng đang xử lý, nguyên nhân sơ bộ cũng đang tổng hợp. Nguyên nhân chính thức thì cũng phải có giám định độc lập mới đánh giá được”.
Đồng thời, vị này cũng yêu cầu chúng tôi liên hệ với ông Trần Văn Giàu - Giám đốc Khu Quản lý đường thuỷ nội địa để nắm thêm thông tin chi tiết về nguyên nhân của sự việc. Tuy nhiên, do lãnh đạo Khu Quản lý đường thuỷ nội địa đi vắng nên chưa có câu trả lời chính thức với báo chí về vụ việc trên.
Gần đây, tại TP.HCM xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân. Trong khi đó, đến nay nhiều dự án xây dựng kè bảo vệ bờ không những chậm tiến độ mà còn trùm mền suốt nhiều năm.
|
|
Vị trí sạt lở kéo dài tới 160m đe dọa trực tiếp tính mạng nhân dân |
Theo thống kê, TP.HCM hiện nay còn tới 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, gồm 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và 1 vị trí bình thường nằm tại địa bàn 8 quận, huyện. Cụ thể, huyện Nhà Bè là địa bàn chiếm nhiều vị trí sạt lở nhất, có 16 vị trí trong đó có 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm; quận 2 có 5 vị trí trong đó mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 vị trí; quận 7, 8 có một vị trí sạt lở; quận Thủ Đức có 5 vị trí (3 vị trí nguy hiểm, 1 vị trí đặc biệt nguy hiểm); quận Bình Thạnh 3 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; huyện Bình Chánh có 4 vị trí trong đó 1 vị trí nguy hiểm; huyện Cần Giờ có 5 vị trí sạt lở chiếm 3 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành tổng rà soát, tham mưu cho UBND TP.HCM về việc kiểm tra, cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển để hạn chế thấp nhất thiệt hại đến người dân trong mùa mưa năm nay.
Hoàng Long