Vừa qua, báo BVPL có bài: “Sạt lở 160 m bờ kè – tính mạng người dân bị đe dọa”. Bài báo phản ánh vụ sạt lở nghiêm trọng bờ kè tuyến Tắc Sông Chà khiến 160m kè dọc theo bờ sông bị cuốn theo dòng nước (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM ) ngày 16/6. 

leftcenterrightdel
 Bờ kè sạt lở kéo dài

Sau khi có phản ánh của báo chí, UBND huyện Cần Giờ đã phải triển khai di dời khẩn cấp 4 hộ dân với 15 nhân khẩu ra khỏi vùng bị ảnh hưởng và nhiều hộ dân sống ven sông (những nơi có hiện tượng sạt lở) nơm nớp lo sợ. Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết đang phối hợp UBND huyện Cần Giờ và Khu quản lý đường thủy nội địa tổ chức di dời các hộ dân trên sau khi 160 mét bờ kè đang thi công bị sạt lở. Sự cố không gây thiệt hại về người nhưng khiến một trụ điện bị nghiêng. Tại khu vực sạt lở xuất hiện vết nứt dài và có nguy cơ lan rộng gây nguy hiểm.

leftcenterrightdel
 Bờ bao đang bị xói mòn từng ngày

Mùa mưa lũ đang đến, người dân khu vực Tắc sông Chà, huyện Cần Giờ đang đau đáu nỗi lo sạt lở khi có mưa to hoặc triều cường. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp, người dân bức xúc khi bờ kè dù được xây nhưng vẫn không đảm bảo an toàn. Tại khu vực trên, thường xuyên có các phương tiện giao thông thủy qua lại, tạo sóng đánh bạt vào mép sông gây hư hại bờ và hàng cây bảo vệ, làm hệ thống bờ bao bị xói mòn sâu. 

Do đó, chất lượng công trình luôn phải được đặt lên hàng đầu. Vụ sạt lở bờ kè trên thuộc dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà có chiều dài 581m được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 5042/QĐ-SGTVT ngày 30/10/2015 do Khu quản lý đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở GTVT TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự án với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, trong đó phí xây lắp là 57,4 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương là đơn vị chịu trách nhiệm thi công. Đến thời điểm vụ việc xảy ra, dự án kè bờ Tắc Sông Chà mới hoàn thành 95% công trình dù được thi công từ tháng 12 năm 2016.

leftcenterrightdel
 Bảng thông tin dự án

Trao đổi với phóng viên, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Sở đã báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xử lý sự cố, làm rõ nguyên nhân sự cố, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong sự việc nghiêm trọng trên.

Phóng viên đã liên hệ với Lãnh đạo Khu quản lý đường thuỷ nội địa yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án, hồ sơ năng lực, biên bản nghiệm thu từng phần… của công trình thì đơn vị này lại hướng dẫn qua Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương để đề nghị cung cấp (?!!) Rõ ràng với trách nhiệm quản lý nhà nước, Khu quản lý đường thuỷ nội địa đã không làm hết trách nhiệm của mình khi chuyển trách nhiệm cho đơn vị thi công.

leftcenterrightdel
 Nghi vấn về vụ sập kè tháng 8/2017

Được biết, đây không phải là công trình đầu tiên do Khu quản lý đường thuỷ nội địa TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương là đơn vị thi công bị sạt lở nghiêm trọng. Trước đó chưa lâu, cũng chủ đầu tư này, cũng đơn vị thi công này, cũng là một công trình đê kè vừa thi công xong chưa kịp nghiệm thu đã để xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khác. Đó là sự cố xảy ra lúc 23h ngày 7/8/2017, tại ấp 3 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh sạt lở 40m bờ kè xuống rạch Cây Khô thuộc dự án chống sạt lở bờ kè hạ lưu cầu Phước Lộc. Dù không xảy ra thiệt hại về người và tài sản nhưng vụ việc trên đã khiến người dân lo sợ, sống trong sợ hãi. Vụ việc trên cũng không được thông tin đầy đủ về nguyên nhân sự cố, trách nhiệm của cá nhân và các tổ chức liên quan nên đã “chìm xuồng” nhanh chóng. Để rồi sau đó, đơn vị thi công này lại tiếp tục điệp khúc, nhận thầu, thi công rồi lại sập kè (?!!)

leftcenterrightdel
 Đoạn kè dài 160m bị nước cuốn trôi

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch... nhưng nhiều dự án vẫn "giậm chân tại chỗ", nhiều công trình chưa xong hoặc vừa nghiệm thu đã bị sạt lở nghiêm trọng. Dự án thi công thì ì ạch, chậm tiến độ, trong khi nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là nhà dân ở những khu vực này rất lo lắng khi mùa mưa đến.

Với cảnh báo như trên đã chỉ rõ sự bất cập trong việc lựa chọn đơn vị thi công của một số địa phương nói chung và tại TP HCM nói riêng khi đã đặt “niềm tin” vào các đơn vị chưa đủ năng lực, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cần sớm có sự chỉ đạo các cơ quan tiến hành thanh tra để làm rõ nguyên nhân sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân khi mùa mưa lũ đến. 

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên. 

 

Hoàng Long