Thông tin về dự án với báo Bảo vệ pháp luật, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: công trình đường giao thông nông thôn Bắc Tiến - Nhà Ngo có chiều dài 1,6km được đầu tư với số tiền 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, do UBND xã Thạch Lưu làm chủ đầu tư. Đơn vị giám sát công trình là Công ty Phú Đại Hưng (địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh) và Công ty Cổ phần Dũng Đàn (địa chỉ đóng tại thôn Đông Đài, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) là đơn vị trúng thầu thi công.

Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường GTNT loại A, rộng 6m, mặt đường bê tông 3,5m, chiều dày bê tông mặt đường 18 cm, bê tông đá 1x2 mác 200. Nền đường được đắp bằng loại đất cấp phối đầm chặt K95 và lớp đá dăm đệm dày 15cm…

leftcenterrightdel
Ảnh: Đặng Thùy 

Ông Hùng cho biết, đây là công trình GTNT được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, khi hoàn thành sẽ phục vụ việc giao thương, đi lại của người dân địa phương và vùng phụ cận. Công trình còn góp phần giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí hạ tầng, sớm đưa địa phương về đích nông thôn mới trong thời gian tới…

Mục đích, ý nghĩa của công trình này là vậy, song thực tế thì công trình này đang đứng trước nguy cơ yếu kém về chất lượng bởi nhà thầu trong quá trình thi công có dấu hiệu làm sai dự toán thiết kế nhằm “rút ruột” công trình. Còn chủ đầu tư thiếu năng lực quản lý dự án (?).

Qua phản ánh của người dân về chất lượng công trình cùng những hình ảnh PV ghi nhận được tại hiện trường trong quá trình thi công dự án này đã cho thấy những nghi ngại này là hoàn toàn có cơ sở.

Theo đó, trong quá trình thi công phần nền đường, nhà thầu đã sử dụng loại đất không được kiểm định theo quy hoạch điểm mỏ và không đầm chặt đạt độ K. Hậu quả là toàn bộ phần nền đường xuất hiện nhiều điểm lún cao su, cao độ trên tuyến đường cũng lồi lõm nhưng vẫn được chủ đầu tư, đơn vị giám sát nghiệm thu hồ sơ, cho thi công đổ phần lớp đá dăm đệm gia cố mặt nền đường.

leftcenterrightdel
Theo dự toán thiết kế, nền đường được đắp bằng loại đất cấp phối đầm chặt K95, nhưng tại hiện trường loại đất nhà thầu sử dụng không được đầm chặt đạt độ K. 

Điều đáng nói là phần lớp đá dăm đệm theo thiết kế dày 15cm này cũng không đảm bảo độ dày. Tại hiện trường, PV ghi nhận được thì lớp đá dăm đệm này chỉ đạt từ 5 đến 10cm.

Đặc biệt, quá trình thi công phần mặt đường dự án này có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà thầu đã “rút ruột” công trình.

Theo như ông Phạm Văn Hùng - đại diện chủ đầu tư khẳng định thì phần mặt đường rộng 3,5 này là lớp bê tông dày 18cm, đá 1x2, mác 200 nhưng thực tế trong quá trình thi công nhà thầu đã sử dụng loại đá 2x4 (đá tỷ lệ hạt to, rẻ tiền) trộn lẫn tạp chất đất, bụi để thi công dự án. 

Là người trong nghề xây dựng nhiều năm, anh A.T- giám đốc một nhà thầu cho biết: “Hiện tại, đá 1x2 giá dao động từ 290 – 330 ngàn/khối còn đá 2x4 dao động từ 160-180 ngàn/khối, do vậy thay đổi đá thì nhà thầu sẽ lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, việc thay đổi đá so với thiết kế này có thể nói là “ẩu” và “liều”. Ngoài việc giá cả thì mác bê tông khi đổ đá 1x2 so với mác đổ đá 2x4 cũng khác nhau hoàn toàn và chất lượng công trình cũng rất khác…”.

Quá trình trộn bê tông thi công phần nền đường này, nhà thầu cũng không tuân thủ quy trình xây dựng mà sử dụng một hố sâu rồi dùng máy đào cho cát, đá, xi măng vào khuấy rồi chở đi thi công mà không theo tỷ lệ cấp phối… Đặc biệt, không có sự xuất hiện của đại diện đơn vị giám sát phía chủ đầu tư nên công nhân “mạnh ai người ấy làm” khi thi công.

Với những dấu hiệu sai phạm này, việc người dân phản ánh nhà thầu có dấu hiệu “rút ruột” trong quá trình thi công dự án hoàn toàn có cơ sở. Vậy trong sự việc này, chủ đầu tư không phát hiện ra hay do không có năng lực quản lý dự án; trách nhiệm của đơn vị giám sát ở đâu...? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.


Đặng Thùy