Ngày 26/11, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 4368/UBND-NC yêu cầu các cơ quan ban ngành triển khai thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động, tai nạn lao động tại công trình Thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi).

leftcenterrightdel
Dự án Công trình Thủy điện Plei Kần nơi xảy ra nhiều việc "lùm xùm" trong thời gian qua. 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở LĐ-TB&XH căn cứ kết luận của Đoàn điều tra tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Tấn Phát (chủ đầu tư dự án Thủy điện Plei Kần - trụ sở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Trường hợp chưa có kết luận, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công thương và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại Thủy điện Plei Kần. Nếu không chấp hành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, 3 người bị thương tại Thủy điện Plei Kần vào tháng 5/2020.  

Các cơ quan, đơn vị: Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan theo chức năng của ngành và nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo kết quả vụ tai nạn lao động tại Thủy điện Plei Kần, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2489/UBND-HTKT ngày 13/7/2020.

Kết quả triển khai các nội dung nói trên báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/11/2020. Trường hợp đơn vị nào chậm hoặc không tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo về nội dung và thời gian theo quy định...thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
Mủ cao su của người dân bị hư hỏng sau thời gian dài không thể vận chuyển ra ngoài vì con đường độc đạo đã bị ngập sâu trong nước.

Trước đó, vào ngày 25/5/2020, khi các công nhân đang làm việc tại công trình thủy điện Plei Kần thì xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, 3 người bị thương. Sau nhiều tháng kể từ khi xảy ra sự việc đến nay cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Ngoài ra, cuối tháng 9 vừa qua Thủy điện Plei Kần liên tục tích nước trái phép khiến nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước, nhiều diện tích đất trồng cà phê, cao su, cây ăn trái và ao cá của người dân bị ngập, trái cà phê đã chín rụng nhưng người dân không thể thu hoạch, mủ cao su không thể vận chuyển ra ngoài do đường đi đã bị ngập sâu trong nước.

leftcenterrightdel
Đường bị ngập sâu trong nước nên người dân phải dùng bè tự chế để vào khu sản xuất. 

Ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND tỉnh Kon Tum, Sở Công thương tỉnh Kon Tum, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã có các văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước tại công trình Thủy điện Plei Kần khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, Công ty này vẫn “bất chấp” chỉ đạo của cơ quan chức năng để tích nước trái phép, gây thiệt hại rất lớn về tài sản và đe dọa tính mạng người dân vùng lòng hồ.

Trước hành động “vô lối” của chủ đầu tư dự án Thủy điện Plei Kần, ngày 19/11/2020 UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các ban ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện việc đầu tư dự án Thủy điện Plei Kần./.                                                         

Nguyễn Chính - Sông Kôn