Tự ý tích nước trái phép
Cuối tháng 9 vừa qua, Thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tự ý tích nước khi chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng. Điều này đã làm cho hàng trăm hecta cây cao su không thể khai thác mủ, cà phê chín rụng nhưng người dân không thể thu hoạch được do con đường dẫn vào khu sản xuất đã bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, một số ngôi nhà của người dân cũng bị ngập, nhiều tài sản bị hư hỏng.
|
|
Thủy điện Plei Kần tự ý tích nước, "bất chấp" chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. |
Ông Trần Hùng Tuấn (trú thôn Đak Dế, xã Đak Rơ Nga) bức xúc: Nhà tôi có 5 ha đất sản xuất và ao cá nằm trong vùng lòng hồ thủy điện. Trước đây khi xây dựng thủy điện, đơn vị chủ đầu tư chỉ đền bù theo mực nước chết. Khoảng cuối tháng 9, thủy điện tích nước đã làm nước dâng cao hơn 2m so với mực nước chết, gây ngập hơn nửa ngôi nhà cùng hệ thống điện của gia đình; hàng chục năm sinh sống ở đây nhưng chưa bao giờ bị ngập nước như thế.
“Thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập khoảng 5.000m2 đất trồng cây và ao cá; thiệt hại cho gia đình khoảng 700 triệu đồng. Rất may thời điểm nước dâng cao, gia đình tôi không có ai ở nhà, nếu không rất dễ ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Tuấn nói.
|
|
Thủy điện tích nước làm ngập nhà dân. |
Tương tự, anh Trần Trung Thảo (tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) lo lắng: Tôi có 12 ha đất trồng cây cà phê và cao su trong khu sản xuất thôn Đak Dế. Khi thủy điện tích nước, khu sản xuất này bị cô lập do con đường độc đạo dẫn vào đây ngập sâu trong nước.
Anh Thảo cho biết thêm, khu sản xuất thôn Đak Dế trồng cao su, cà phê rộng khoảng 350 ha và đang trong giai đoạn kinh doanh. Tuy nhiên, nước ngập khiến cho cà phê chín rụng nhưng người dân không thể thu hoạch được, nguy cơ mất trắng; cao su cũng không thể khai thác mủ được. Một vài người dân vì tiếc của nên đã dùng bè tự chế để vào khu sản xuất. Tuy nhiên, số lượng thu hoạch và vận chuyển được ra ngoài rất hạn chế.
|
|
Clip: Người dân nói về việc Thủy điện Plei Kần tự ý tích nước. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đak Rơ Nga, huyện Đak Tô thông tin: Thủy điện Plei Kần tự ý tích nước và không thông báo cho chính quyền địa phương. Sau khi người dân phản ánh về tình trạng ngập lụt, cô lập do thủy điện tích nước, địa phương đã đi kiểm tra và xác định phản ánh của người dân đúng sự thật.
Được biết, khi thủy điện tích nước gây ngập, người dân đã có đơn kiến nghị tập thể đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, chỉ đạo việc tích nước trái phép của Thủy điện Plei Kần. Sau đó, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã nhiều lần có văn bản, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) có văn bản hỏa tốc yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát (chủ đầu đầu tư công trình thủy điện Plei Kần) chấm dứt ngay việc tích nước trái phép. Tuy nhiên, thủy điện này vẫn “bất chấp” để tích nước.
|
|
Người dân mạo hiểm dùng bè tự chế để vào khu sản xuất. |
Ngày 28/10, tại buổi làm việc có mặt của chủ đầu tư, đại điện các Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đak Tô, huyện Ngọc Hồi, ông Huỳnh Minh Chương, Phó Giám đốc Sở Công thương phải thốt lên: Đề nghị lãnh đạo Công ty Cổ phần Tấn Phát tôn trọng ý kiến các ngành và chính quyền địa phương.
“Nếu công ty tiếp tục tích nước trái quy định, không hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, thực hiện các công việc trái quy định thì Sở Công thương sẽ đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy; đồng thời báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định pháp luật”, ông Chương nhấn mạnh.
“Bất chấp” các văn bản chỉ đạo
Thủy điện Plei Kần được thiết kế với công suất 17 MW, diện tích đất sử dụng là hơn 128 ha trên địa bàn xã Đak Rơ Nga, huyện Đak Tô và xã Đak Nông, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
Trong quá trình triển khai xây dựng Thủy điện Plei Kần, vào tháng 1/2020, Công ty Cổ phần Tấn Phát có văn bản báo cáo về việc tích nước vận hành nhà máy thủy điện.
|
|
Tiêu của người dân bị rụng sau nhiều ngày ngập trong nước. |
Sau đó, Sở Công Thương Kon Tum có văn bản trả lời nêu rõ: Qua kiểm tra chất lượng công trình thủy điện để đưa vào sử dụng, vai phải và vai trái đập dâng của công trình xây dựng thay đổi so với thiết kế kỹ thuật được duyệt nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ thay đổi thiết kế trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, Sở Công thương yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm việc bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ thay đổi thiết kế và thực hiện nghiệm thu đầy đủ tất cả các hạng mục mới được Sở tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum cho phép tích nước.
Đến tháng 5/2020, khi 6 công nhân đang làm việc tại công trình Thủy điện Plei Kần thì xảy ra vụ tai nạn làm 3 người tử vong, 3 người khác bị thương nặng và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan Công an tỉnh Kon Tum tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Cuối tháng 9 vừa qua, thủy điện này lại tích nước dù cho cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu chấm dứt hành vi trái phép này. Điều này đã khiến người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại tập thể, kéo dài tại địa phương.
|
|
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân đã ngập sâu trong nước. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấn Phát cho biết: Công ty đã nghiêm túc thực hiện công tác vận hành, phòng chống lụt bão tại Thủy điện Plei Kần; việc nước dâng lên cao là do ảnh hưởng của các cơn bão trong thời gian qua.
Giải thích việc nước dâng cao là do mưa bão nhưng ông Quân cũng thừa nhận Thủy điện Plei Kần có tích nước nhiều lần, mỗi lần từ 2-3h để thử cửa vận hành sau khi lắp đặt tại phần cơ các tổ máy, việc tích nước này có ảnh hưởng đến người dân.
Trước các sai phạm kéo dài tại Thủy điện Plei Kần, ngày 3/11, Sở Công thương tỉnh Kon Tum một lần nữa có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình Thủy điện Plei Kần; chịu trách nhiệm về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Đak Tô, Ngọc Hồi và các hộ dân bị ảnh hưởng để thực hiện kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
|
|
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, 3 người bị thương tại Thủy điện Plei Kần vào tháng 5/2020. |
Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Kon Tum còn kiến nghị UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép; chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Tấn Phát về hành vi tự ý tích nước; chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét xử phạt công ty này liên quan đến việc đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Đến ngày 4/11, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 4151/UBND-HTKT yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép; phối hợp với chính quyền địa phương và người dân bị ảnh hưởng kiểm kê, xác định giá trị bồi thường, không để khiếu kiện kéo dài tại địa phương.
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định pháp luật liên quan kiểm tra, xem xét xử lý hành vi vi phạm./.