Các thủ đoạn như: lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả nhập khẩu qua các cửa khẩu chính thức; lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thậm chí tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền và kiện ngược lại cơ quan chức năng khi bị xử lý... Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2022, các đội QLTT trên khắp cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tổng cộng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

leftcenterrightdel
 Lực lượng QLTT phát hiện sản phẩm dầu gội đầu giả mạo các thương hiệu.

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, có 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỉ đồng.

Tại buổi tọa đàm: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” do Tạp chí Công thương tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, từ giữa năm 2022 khi dịch COVID-19 có dấu hiệu dừng thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi.

Theo ông Linh, sự phức tạp, tinh vi này thể hiện ở cả 3 khía cạnh bao gồm: các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái. Những vụ việc lớn, các phương thức sản xuất, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có tổ chức, phạm vi rộng khắp.

Đặc biệt, bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi. Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đó, để xử lý những tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại. Đây là một trong những khó khăn mới trong công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, internet đang là một mặt trận mới, rất nóng bỏng trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. "Có lẽ phải đến 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bắt ở ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều bởi vì đặc thù của internet"- ông Linh cho hay.

Có thể thấy, với lợi nhuận lớn, thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Cùng với đó, do bộ phận người tiêu dùng còn dễ thỏa hiệp với hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ nên đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực, từng ngành, ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và tính mạng con người, tác động đến cả cộng đồng. Đồng thời, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hành vi làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của mình, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất cao, xử lý được nhiều vụ việc vi phạm nhưng đương đầu với hàng giả, hàng nhái thì ngay cả những cơ quan sâu sát nhất như QLTT cũng không thể “ba đầu sáu tay” làm tất cả được mọi việc.

Hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác với Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các luật chuyên ngành khác quản lý theo lĩnh vực dược phẩm, phân bón, các văn bản xử phạt hành chính, những quy định liên quan tại Bộ luật hình sự... Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa.

Do đó, ông cho rằng, quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư. Từ đó, tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung.

Ngoài ra, công tác phòng ngừa, "phòng hơn chống" cũng là cách thức được các khách mời đặc biệt nhấn mạnh nhằm tăng cường hiệu quả ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Để phòng ngừa, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng như: tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả...

Cùng với đó, Tổng cục QLTT sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử, từ việc làm sao để chống thất thu thuế trên thương mại điện tử đến việc làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật internet truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội...

Huyền Trang