Mới đây, tôi và người bạn uống cà phê tại một quán đầu hẻm ở phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM. Một người phụ nữ bán vé số đến chỗ chúng tôi, nhưng không mời mua vé số, mà đưa ra chiếc điện thoại iPhone 4S mới tinh để nhờ chỉ giùm cách sử dụng. Tôi và người bạn ngạc nhiên khi thấy người bán vé số xài chiếc điện thoại sang và đắt tiền.

 


Khi nhận lại chiếc điện thoại, chị bán vé số có vẻ suy nghĩ, cho biết mình không quen dùng điện thoại, nhất là chiếc iPhone nhiều chức năng khó sử dụng, vả lại cũng đang cần tiền mua thuốc cho đứa con đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nên chị chủ động ra giá bán chiếc iPhone này là 4 triệu đồng. Lặng yên giây lát anh bạn trả 2 triệu đồng, chị bán vé số nói chắc giá 3 triệu đồng. Anh bạn tôi đồng ý mua vì giá như vậy quá rẻ. Sau khi nhận 3 triệu đồng, chị bán vé số nhanh chóng bước ra khỏi quán, mất dạng giữa dòng người tấp nập, ngược xuôi.

Anh bạn tôi mang chiếc điện thoại ra một cửa hàng bán điện thoại để mua thêm các linh kiện. Nhân viên bán hàng cầm chiếc điện thoại lên xem liền nói ngay đây là chiếc iPhone “nhái” của Trung Quốc, giá không đến 1 triệu đồng. Lúc này, anh bạn tôi kiểm tra lại chiếc điện thoại mới phát hiện ra chiếc điện thoại này đã được đánh tráo, không phải chiếc iPhone mà người bán đã đưa nhờ hướng dẫn sử dụng. Thì ra người bán vé số lợi dụng lúc anh đếm tiền để trả, đã nhanh tay đánh tráo cất chiếc iPhone thật, đưa chiếc dỏm. Màn kịch “giả nai” để lừa bịp, đưa ra hàng xịn, rồi tráo hàng dỏm khi giao cho người mua không phải là mới, đã có nhiều người sập bẫy do hám lợi. Do đó khi giao dịch mua bán các sản phẩm công nghệ, nên đến các cửa hàng có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, hết sức cảnh giác việc mua hàng trôi nổi, để không phải mất tiền mua phải hàng dỏm.
 

Theo Xuân Thông
Sài Gòn Giải phóng

.