Các nguyên nhân cố phần hóa, thoái vốn chậm  

Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 7 doanh nghiệp. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Năm 2020, cả nước đã thoái được 2.505,6 tỉ đồng, thu về 5.965,7 tỉ đồng.   

Tuy nhiên, trong số 178 doanh nghiệp đã CPH thì chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp còn chậm.

Đơn vị này cũng đã công khai những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 như: TP.Hà Nội còn 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 doanh nghiệp; Bộ Công thương còn 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng còn 2 Tổng công ty.

Về công tác thoái vốn, trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.505,6 tỉ đồng, thu về 5.965,7 tỉ đồng, trong đó thoái vốn tại 13 doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.788 tỉ đồng, thu về 4.617 tỉ đồng.

Nguyên nhân khiến công tác CPH, thoái vốn bị chậm, theo Cục TCDN, các doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ khiến cho việc triển khai công tác CPH, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngoài ra, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước…

Không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tới.

Cụ thể: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện CPH, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước, có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của các DNNN, đảm bảo dễ dàng tiếp cận, kiểm tra, theo dõi, đánh giá. Tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; phân biệt trách nhiệm của cơ quan quản lý phần vốn nhà nước với người quản lý doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; Không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước và nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.

 

 

 

Minh Nhật