Kịch bản đấu giá 3 “siêu” dự án tại Bình Dương giống nhau đến kì lạ

Liên tiếp các năm 2014, 2015, 2017 Agribank Chợ Lớn thông qua Công ty đấu giá Nam Sài Gòn bán các quyền sử dụng đất của Công ty Thiên Phú thuộc 3 dự án Hòa Lân, Cầu Đò, Mỹ Phước 4. Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp,  có nhiều sai phạm trong quá trình bán đấu giá và thực hiện việc nộp tiền theo cam kết đấu giá. Vì vậy, nguy cơ xảy ra thất thoát là rất lớn, Bộ Tư pháp đã nhiều lần yêu cầu Agribank Chợ Lớn nhanh chóng có các biện pháp để giảm thiệt hại.

Điển hình là sai phạm tại các lô đất B1, B2 tại Dự án Mỹ Phước 4.  Dự án này phải qua 8 lần đấu giá và chỉ tiến hành đấu giá khu B1, B2 (khu A được bán đấu giá chung với Cầu Đò) mới thành công và Công ty Thuận Lợi  trúng giá với số tiền 77 tỉ đồng.

Thông báo bán đấu giá cho hạn cuối cùng để nộp tiền đặt trước là 16h00 ngày 25/9/2015. Tới ngày 28/9/2015, quá 3 ngày, Công ty Thuận Lợi mới nộp 3 tỉ đồng tiền đặt trước nhưng vẫn được tham gia đấu giá một mình và trúng đấu giá với giá khởi điểm sau đó.

leftcenterrightdel
 Dự án Mỹ Phước 4, khu B.

Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền đấu giá trong hạn 30 ngày.  Tuy nhiên, sau khi  Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá, Agribank Chợ Lớn thỏa thuận cho phép Công ty trúng đấu giá đổi lịch thanh toán thành nhiều đợt, kéo dài gần 1 năm sau. Thực tế thì sau 18 tháng, kể từ khi đấu giá thành, Công ty Thuận Lợi mới thanh toán hết tiền.

Trước đó, theo kết luận của đoàn Thanh tra Bộ Tư pháp về những sai phạm trong việc đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Thiên Phú thế chấp cho Agribank Chợ Lớn, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng chỉ ra việc Công ty Thuận Lợi có nhiều lần mua trúng tài sản bán đấu giá nhưng không thực hiện đúng thời hạn thanh toán.

Điển hình, đối với khu đất tại Dự án Khu dân Cầu Đò và Khu A - Dự án Mỹ Phước 4, cũng do Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá, theo biên bản làm việc giữa các bên thì ngày 30/6/2016, người mua trúng đấu giá phải thanh toán đủ tiền mua tài sản, tuy nhiên đến ngày 21/11/2016, người mua trúng đấu giá mới nộp đủ tiền. Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn có giải trình với Đoàn Thanh tra là có nhắc nhở qua điện thoại,….nhưng thanh tra khẳng định không có tài liệu nào chứng minh việc này.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp, có nhiều nội dung còn tồn tại, thiếu sót trong vụ việc đấu giá dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 và Cầu Đò của các bên liên quan. Trong đó, việc tổ chức đấu giá tài sản thuộc trách nhiệm của Công ty Nam Sài Gòn có nhiều tồn tại, thiếu sót nhất. Công ty đấu giá Nam Sài Gòn có Chủ tịch là ông Nguyễn Việt Hưng, sở hữu 76% cổ phần. Ông Nguyễn Việt Hưng  là Trưởng phòng pháp chế của Agribank Chợ Lớn, chắc chắn phải là người tham gia chính vào quá trình xử lý khoản nợ của Công ty Thiên Phú.

Đặc biệt, dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận là chủ đầu tư, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty Thuận Lợi vẫn ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá công chứng tại Văn phòng công chứng Thành phố mới vào ngày 01/7/2017. Kết luận thanh tra khẳng định, Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (VPCC Mỹ Phước) đã có thiếu sót, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản, công chứng Hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể, VPCC Mỹ Phước thực hiện công chứng Hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 16/2014/HĐMBTSBĐG giữa Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Thuận Lợi, có số công chứng 008391, quyển số 12/TP/CC-SCC/HĐGD.

Sau đó, bằng việc chuyển nhượng cổ phần, Công ty Thuận Lợi và các dự án trên thuộc quyền sở hữu của Công ty Kim Oanh. Sau đó, Công ty này đã triển khai phân lô, bán nền đất tại các dự án trên.

Mạnh tay thu hồi những dự án sai phạm, “chặn” thất thoát

Dư luận đặt giả thuyết, nếu quá trình đấu giá công khai, các điều kiện về gia hạn thời gian đặt trước, chậm thanh toán được thông báo minh bạch, chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia đấu giá, chắc chắn giá trúng đấu giá sẽ cao hơn. Từ năm 2019, nhiều khu đất tại các dự án trên đã được giao dịch hàng chục triệu đồng/m2, so với giá bán trả chậm vài trăm ngàn/m2 như đã diễn ra, thì thiệt hại lớn thuộc về nhà nước.

Đối chiếu, tổng số nợ của Công ty Thiên Phú với Ngân hàng Nông nghiệp được đảm bảo bằng các khu đất tại Dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò là 294 tỉ nợ gốc, chưa kể lãi ít nhất cũng vài trăm tỉ đồng trong suốt hơn 10 năm. Trong khi tổng số tiền bán tài sản ưu ái “trả chậm” cho Công ty Kim Oanh thu về là 301 tỉ đồng. Số tiền ngân hàng không thu được là hàng trăm tỉ đồng. Nếu trừ đi số tiền giá trị đất giao không thu tiền bị chuyển nhượng trái pháp luật mà bản chất phải thuộc về ngân sách thì thực chất số tiền Agribank Chợ Lớn thu về chỉ là 146 tỉ đồng, chưa được 50% số nợ gốc.

Theo đại diện các cơ quan tố tụng, trong quá trình điều tra những vụ án liên quan đến tài sản nhà nước, mục đích cao nhất là làm sao để hạn chế thất thoát, phát sinh các vấn đề tranh chấp. Vì vậy, với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì cần sớm thu thồi dự án để đảm bảo thu hồi tài sản nhà nước.

leftcenterrightdel
 Dự án Khu đô thị Hòa Lân và Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tư pháp liên quan đến KLTT việc đấu giá các dự án của Công ty Thiên Phú.

Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, do Nhà nước thống nhất quản lý, nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua tập trung vào việc phát triển và khai thác có hiệu quả quỹ đất, góp phần lớn cho tăng trưởng và thay đổi bộ mặt đô thị. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều sai phạm, tham nhũng, thất thoát lớn trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá, phê duyệt các dự án, chủ đầu tư  thực hiện dự án.

Việc chuyển nhượng dự án trái phép, chuyển nhượng đất công, giao đất không đúng luật làm thất thoát ngân sách. Việc các chủ đầu tư không có năng lực, uy tín triển khai Dự án sẽ tạo ra thị trường bất động sản lộn xộn, bất hợp pháp, tạo ra các khu dân cư kém chất lượng, xâm hại đến lợi ích của khách hàng và toàn xã hội.

Dư luận xã hội thời gian qua lên tiếng không ít về các “lùm xùm” trong các dự án bất động sản của Công ty Kim Oanh. Về phía mình, Công ty Kim Oanh cũng kêu cứu khắp nơi và khẳng định gặp cản trở nhiều từ các cơ quan Nhà nước. Vậy bản chất là doanh nghiệp cố ý sai phạm hay “bị làm khó”, Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Nhóm PV