Thủ thuật “thâu tóm đất vàng” giá 800 nghìn đồng/m2

Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng khu đô thị Tân Phú trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương rộng hơn 567 ha.

Tổng Công ty Bình Dương không khai thác có hiệu quả khu đất này mà bằng các “thủ thuật” để bán toàn bộ khu “đất vàng” ở vị trí hạng nhất của TP Thủ Dầu Một về tay tư nhân với giá rẻ.

Năm 2010, Tổng Công ty Bình Dương cùng Công ty Âu Lạc thành lập Công ty liên doanh Tân Phú đầu tư, kinh doanh dự án tại khu đất có diện tích 43 ha. Khi thành lập Công ty Tân Phú, Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Âu Lạc góp 140 tỉ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Dự án 43 ha đất Bình Dương bị thâu tóm với giá 800 nghìn đồng/m2.

Giá chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú chỉ hơn 250 tỉ đồng, tương đương với giá khoảng 580.000 đồng/m2. Việc chuyển nhượng này không thông qua một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào.

Sau khi chuyển nhượng 43 ha đất công từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty liên doanh chỉ có 30% vốn Nhà nước, “nhóm lợi ích” này tiếp tục “phù phép” thâu tóm đất công.

Ngày 2/8/2017, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng nốt 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc với giá hơn 161 tỉ đồng.

Như một trò ảo thuật, toàn bộ 43 ha đất “vàng” công sản trở thành tài sản riêng của tư nhân. Về bản chất, Tổng công ty chỉ thu về 351 tỉ đồng, gồm 250 tỉ đồng chuyển nhượng đất ban đầu và tiền chênh lệch 101 tỉ giữa giá bán 30% cổ phần (161 tỉ đồng) và 60 tỉ đồng tiền vốn góp.

Như vậy, 43 ha đất đã được chuyển từ Doanh nghiệp Nhà nước sang tư nhân với giá 351 tỉ đồng, tương ứng với hơn 800.000 đ/m2, so với giá hàng chục triệu đồng/m2 hiện nay, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Khởi tố vụ án, ngăn chặn chuyển dịch 43 ha đất

Sau khi sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc bán 100% vốn cho Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh). Với giá chuyển nhượng hơn 350 tỉ đồng, Công ty Kim Oanh có ngay 100% vốn Công ty Tân Phú với 43 ha đất.

Trước những hành vi sai phạm trong việc để 43ha đất vàng nhà nước rơi vào tay tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan việc chuyển nhượng khu đất được Công an tỉnh Bình Dương khởi tố đầu năm 2020.

leftcenterrightdel
 Các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty Bình Dương bị khởi tố (ảnh BCA)

Tiếp đó, VKSND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố các bị can: Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT), Trần Nguyên Vũ (Tổng giám đốc), Huỳnh Thanh Hải (nguyên Phó Tổng giám đốc, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”

Theo Cơ quan điều tra, quá trình làm việc, xác định hai sổ đỏ liên quan khu đất đã được Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú (100% vốn thuộc Công ty Kim Oanh) thế chấp cho Ngân hàng Phương Đông để bảo lãnh cho khoản vay 350 tỉ đồng.

Theo đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định cấm chuyển dịch khu đất 43 ha, sổ đỏ lô đất do Ngân hàng Phương Đông đang quản lý bị thu giữ. Đây là việc làm rất kịp thời, đúng pháp luật của Cơ quan điều tra Bình Dương.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh việc thu giữ sổ đỏ khu đất là đúng pháp luật.

Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Dương: Việc CQĐT thu giữ sổ đỏ căn cứ theo quy định của pháp luật và việc thu giữ này là cần thiết để phục vụ điều tra.

Theo đại diện các cơ quan tố tụng, trong quá trình điều tra những vụ án liên quan đến tài sản nhà nước, mục đích cao nhất là làm sao để hạn chế thất thoát, phát sinh các vấn đề tranh chấp. Sau khi bản án có hiệu lực sẽ dễ xử lý.

Công ty Kim Oanh vẫn cố tình chuyển nhượng?

Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú có hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Sau khi thâu tóm xong Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.

Các đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án khu đô thị Tân Phú với tư cách chủ đầu tư, thi công và phân phối. Đáng chú ý, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “hợp đồng vay tiền” liên quan đến Dự án Tân Phú thông qua Công ty Nam Kim.

leftcenterrightdel
Công ty Kim Oanh vẫn cố tình chuyển nhượng, giao dịch với khách mua sản phẩm đất nền tại khu đất 43 ha.

Từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền 405 tỉ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt và qua các kênh khác ngoài Công ty Nam Kim). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng… Có những giao dịch hàng chục tỉ đồng đã được chuyển tiếp cho Công ty Tân Phú.

Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh”. Như vậy, Dự án chưa hoàn thiện pháp lý thì đã nhận tiền, bản chất là bán. Đơn giá được xác định là hàng chục triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị cả 43 ha đất có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Bằng mọi cách để đạt được lợi ích đã tính toán, Công ty Kim Oanh lớn tiếng cho rằng, mình là bên mua bán ngay tình, “tố” Cơ quan điều tra Bình Dương hình sự hóa quan hệ dân sự, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, quyền sử dụng đất này không phải là tài sản Nhà nước. Có rất nhiều  suy diễn nhằm gây sức ép cho Cơ quan điều tra Bình Dương để giải tỏa khu đô thị Tân Phú, hoàn tất trò “ảo thuật”, bán đất ra thị trường, thu tiền, gây khó cho việc thu hồi tài sản trong vụ án này.

Rõ ràng, việc thu hồi 43 ha đất về cho Nhà nước là việc phải được thực hiện ngay để hạn chế tối đa các thiệt hại. Các cơ quan pháp luật cần xử lý ngay các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi huy động vốn, bán đất khu Tân Phú khi chưa đủ điều kiện. Công ty Kim Oanh hay bất cứ ai không thể là một ngoại lệ trong công cuộc chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.

Tới nay, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra, xem xét nhiều khía cạnh trong vụ án, trong đó có việc xem xét trách nhiệm của những người có liên quan. Công an tỉnh Bình Dương đề nghị các cá nhân, tổ chức nếu có thực hiện các giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...) liên hệ với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin. Địa chỉ liên hệ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (tọa lạc số 666, Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một), Điều tra viên Đặng Thành Sang (ĐT: 0913.860.120).

 

.

Ngọc Anh