Bán lẻ nội tăng tốc
Cập nhật lúc 00:35, Thứ năm, 30/06/2016 (GMT+7)
Tuy thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều "đại gia" bán lẻ nước ngoài, song nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nội địa không nên quá lo lắng. (tăng tốc, doanh nghiệp, thị trường bán lẻ, nội địa)
Tuy thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều “đại gia” bán lẻ nước ngoài, song nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nội địa không nên quá lo lắng.
|
Doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang hàng ngày cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ nước ngoài. |
Dự báo, 3 năm tới “sân chơi” bán lẻ nội địa còn tăng tốc nhanh hơn hiện nay, điều này đồng nghĩa người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn…
Minh chứng cho sự phát triển mất cân đối ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op thông tin, doanh thu khối nội còn chiếm hơn 41% toàn thị trường. Tốc độ tăng trưởng của khối nội: 32.000 tỷ đồng (25.800 tỷ là của Saigon Co.op), khối ngoại 45.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến 2020, doanh thu của khối nội là hơn 70.000 tỷ đồng còn khối ngoại vượt trội với con số 187.500 tỷ đồng.
Mặc dù dự báo “sân chơi” bán lẻ của thị trường sẽ đông đảo thành viên ngoại tham gia song các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan vì thị trường bán lẻ đang trong tầm kiểm soát.
TS Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khẳng định, khi có TPP thị trường Việt Nam sẽ đón nhiều hàng hoá từ các nước TPP đổ vào, bởi theo cam kết Việt Nam sẽ phải giảm 97% dòng thuế xuống 0%.
Tuy nhiên, các sản phẩm của doanh nghiệp các nước không có sự cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam, nếu có cũng chỉ là phân khúc cao cấp hơn. Doanh nghiệp nước ngoài không chiếm toàn bộ thị phần hàng hóa của Việt Nam mà chỉ làm phong phú sản phẩm hơn cho thị trường.
Liên quan đến thị phần bán lẻ một số quan điểm cho rằng, thật ra không quá lo lắng đối với thị trường này. Chỉ khi nào có áp lực doanh nghiệp mới tìm hướng tiến thủ và cạnh tranh bình đẳng.
“Giống như Vinamilk, 10 năm chậm phát triển nhưng có một vài doanh nghiệp khác tham gia sân chơi chung thì hình hình khác hẳn. Hiện nay doanh nghiệp này hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với các đối thủ đáng gờm khác cùng ngành”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM nhấn mạnh.
Chưa thực sự lạc quan như các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý, doanh nghiệp Việt có phần e dè hơn. Lý do, nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thấy rõ họ có lợi thế về vốn, chi phí thấp. Trong khi doanh nghiệp nội địa đang phải đối diện vô vàn khó khăn, vì vậy doanh nghiệp tham gia sân chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hiện nay doanh nghiệp bán lẻ nội địa không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài mặc dù các hàng rào thuế đã gỡ bỏ hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt yếu từ nội tại, lịch sử, chính sách và cơ sở xuất phát điểm quá thấp chứ không phải không nỗ lực.
Đơn cử, khó khăn mang tính cạnh tranh bấy lâu nay chưa có biện pháp kéo giảm chính là chi phí giá thành sản phẩm quá cao. Cho nên, cần phải nhanh chóng thay đổi hướng sản xuất tạo điều kiện thuận lợi giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Trường hợp không thay đổi doanh nghiệp sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Đồng cảm với khó khăn mà doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải vượt qua, song theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, ngành bán lẻ có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Điển hình, ngành này không chịu sự kiểm soát các loại giấy phép con như nhiều ngành khác. Bán lẻ nội địa mà gặp khó thì có chăng là do cách ứng xử của các cơ quan quản lý.
Đây cũng là lý do mà 60% doanh nghiệp bán lẻ không biết gì đến các chính sách ưu đãi. Song song với hỗ trợ của nhà nước các chuyên kinh tế cho rằng, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối; liên kết giữa bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống… tạo ra sự đồng điệu trong hoạt động phủ sóng và phát triển thị trường.
Theo Địa đoàn kết
.