leftcenterrightdel
 Hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy ắp các kệ phục vụ người dân trong những ngày giãn cách xã hội toàn thành phố.

Ngày 9/7, ghi nhận tại siêu thị Co.opmart TP Thủ Đức, lượng khách hàng đến mua sắm không còn đông như 2 ngày trước đó, các quầy kệ thực phẩm trưng bày các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, hải sản, trứng gà... luôn đầy đủ từ rất sớm. Giá của đa số các mặt hàng thực phẩm không điều chỉnh tăng, chỉ có một số rau xanh tăng giá nhẹ do khó vận chuyển. Cụ thể như: Giá dưa leo mở mức 15-20  ngàn đồng/kg, bầu bí có giá 15 ngàn đồng/kg, cà chua 41 ngàn đồng/kg, cà rốt 25 ngàn đồng/kg, cải xanh có giá 25 ngàn đồng/kg...

Tương tự, tại hệ thống Bách hóa Xanh hiện nay các mặt hàng rau củ, thực phẩm tươi sống cũng phong phú không kém, tất cả các mặt hàng thực phẩm đều được nhân viên bổ sung lên quầy kệ từ 5h sáng để 7h bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng. Giá các mặt hàng rau củ quả cũng không tăng giá so với những ngày trước đó, giá thịt lợn đang ở mức thịt đùi 160 ngàn đồng/kg, thịt vai có giá 150 ngàn đồng/kg, chân giò có giá 160 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi có giá 220 ngàn đồng/kg...

leftcenterrightdel
Giá các mặt hàng rau, củ, quả chỉ tăng nhẹ do vận chuyển khó. 

Theo các đại diện hệ thống phân phối hiện đại, trong những ngày qua, rõ ràng là lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn. Có thể nói, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao và cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.

leftcenterrightdel
Người dân yên tâm không sợ thiếu thực phẩm trong những ngày giãn cách. 

Chia sẻ thông tin về nguồn cung hàng hóa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cũng thừa nhận vừa qua có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu, tạo sự thiếu hụt cục bộ. Nguyên nhân do 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cùng 128 chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm ở kênh truyền thống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP HCM mà chỉ là thay đổi cách mua bán.

Theo đó, từ tập trung tại các chợ đầu mối như lâu nay, các thương nhân, đơn vị phân phối chuyển sang hình thức phân phối trực tiếp về chợ truyền thống hoặc bán hàng qua điện thoại, bán hàng online. Mặt khác, thành phố còn có 106 siêu thị hiện đại, 12 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.600 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa cung ứng hàng hóa nên nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân không thiếu, vì vậy người dân không nhất thiết phải đổ xô đi mua sắm hàng hóa trong dịp này.

Hoa Việt