Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm Nam Ô.
Làng nghề nước mắm Nam Ô ra đời, tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm, được truyền lại từ đời này sang đời này sang đời khác, và nức tiếng cho đến ngày nay.
Nước mắm Nam Ô với hương vị mặn mòi đặc trưng không lẫn vào đâu được đã trở thành thương hiệu uy tín được người dân khắp cả nước biết đến và tin tưởng đón nhận. Đây là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước.
|
|
Nước mắm Nam Ô với hương vị mặn mòi đặc trưng không lẫn vào đâu được đã trở thành thương hiệu uy tín được người dân khắp cả nước biết đến và tin tưởng đón nhận (ảnh:NT) |
Nghề làm nước mắm cũng lắm công phu, theo bà con làm mắm, để có những mẻ nước mắm ngon, đảm bảo chất lượng, từ tháng 3 âm lịch người dân đã phải mua cá để chuẩn bị, nguyên liệu làm mắm chỉ có cá cơm than tươi.
Cá được lựa chọn kỹ, phải tươi, không to quá cũng như nhỏ quá và được đánh bắt trực tiếp tại biển Nam Ô và muối sạch để ủ cùng, đặc biệt không dùng cá tạp sẽ ảnh hưởng đến màu và mùi vị của nước mắm, đặc biệt màu nước mắm từ cá cơm than cho ra màu vàng óng, sóng sánh, làm từ cá nục nhiều máu thì nước mắm sẽ bị bầm đen, nước mắm từ cá giò sẽ kém mùi vị…
Sau đó, cá được rửa bằng nước biển vì nước ngọt sẽ làm mất vị cá tự nhiên. Nước mắm Nam Ô sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và không hề có hóa chất độc hại.
“Làng nghề truyền thống Nam Ô” được hình thành ban đầu chỉ với 35 hộ, năm 2015 là được 120 hộ làm nước mắm, tuy nhiên một thời gian sau đó một phần làng nghề nằm trong diện giải tỏa đền bù, bà con phải chấp hành chủ trương, theo đó 60 hộ phải rời khỏi vị trí chỉ còn 43 hộ.
Sợ nghề nước mắt truyền thống bị mai một theo thời gian, những người già trong làng đã vận động thế hệ con cháu mình kế nghiệp theo nghề, do vậy “kéo” được 53 hộ theo nghề, vẫn đảm bảo sản lượng cao: Năm 2015 bà con muối 120 tấn cá, quy 60 ngàn lít nước mắm, tiêu thụ trong năm là 100%; Năm 2016 muối 170 tấn cá, ra 85 ngàn lít nước mắm, tiêu thụ 100%; Năm 2017 muối 200 tấn cá, cho ra 100.000 lít, bán 70.000 lít; Năm 2018 là 30.000 lít…
Trong khi nhiều nơi sử dụng công nghệ hiện đại để làm nước mắm thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm truyền thống từ bao đời nay. Đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh,việc người tiêu dùng thông minh có xu hướng lựa chọn nước mắm sạch không hóa chất là một tín hiệu vui đối với bà con làng nghề, do vậy chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện cho bà con nơi đây yên tâm sản xuất.
Làng nghề nước mắm cùng với nghề pháo Nam Ô là hai nghề truyền thống trứ danh của vùng đất này. Sau khi cấm đốt pháo, nghề pháo chấm dứt hoạt động, nhưng nghề nước mắm vẫn tồn tại đến ngày nay và đang được TP chủ trương xây dựng lại làng nghề quy mô.