Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, gồm 1 trung tâm cấp vùng, 8 trung tâm cấp tỉnh và 1 trung tâm chuyên dụng hàng không.

Cụ thể, trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I, có quy mô 30-35ha vào năm 2030 và đến năm 2050 nâng lên thành 65-70 ha. Đây sẽ là trung tâm logistics cảng biển với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS… Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4-5ha, mở rộng nâng cấp lên 8-10ha đến năm 2050. Đây sẽ là trung tâm logistics chuyên dụng phục vụ dịch vụ logistics hàng không.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia. (Ảnh: LT)

8 trung tâm logistics cấp tỉnh gồm: Ga hàng hóa Kim Liên, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm logistics và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyển cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp)  cùng 5 trung tâm logistics ở 5 địa phương Hoà Nhơn, Hoà Phước, Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Hiệp Bắc. 

Đề án phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng nhằm phát triển dịch vụ logistics TP theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, có vai trò quốc tế. Đà Nẵng sẽ là trọng điểm phát triển kinh tế biển, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông – Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á – Thái Bình Dương.

Dịch vụ logistics TP Đà Nẵng sẽ được phát triển trên cơ sở phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn về phát triển logistics quốc gia, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh – quốc phòng.

Đà Nẵng cũng xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế của thành phố, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển thương mại và xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng sẽ đa dạng hóa các loại dịch vụ trong chuỗi logistics nhằm nâng cao giá trị và khối lượng hàng hóa, dịch vụ logistics thông qua các đầu mối vận tải lớn trên địa bàn thành phố, cảng biển, cảng hàng không, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics cho thương mại điện tử và dịch vụ logistics xanh.

UBND TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành phố trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp. Việc này nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu, bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, cảng biển TP Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại, có cấu trúc rõ ràng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics quốc tế TP Đà Nẵng tại khu vực miền Trung, được khẳng định vai trò cảng cửa ngõ quốc tế, trở thành cửa ngõ chính ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á – Thái Bình Dương.

Để thực hiện những điều này, UBND TP Đà Nẵng đưa ra nhiệm vụ xây dựng và triển khai các chính sách về dịch vụ logistics. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cản trở việc phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng logistics gắn liền với các đầu mối vận tải lớn trên địa bàn thành phố như khu bến Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, ga hàng hóa Kim Liên. Xây dựng các trung tâm logistics gắn liền với hoạt động và phát triển của khu công nghệ cao, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa TP Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh của Lào, Thái Lan trên hành lang kinh tế Đông – Tây sẽ được hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng thông tin mạng, internet mạnh, được bảo đảm thông suốt nhằm đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phát triển của hoạt động logistics cả chất và lượng.

 

 

PV