Theo đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Vườn quốc gia Bái Tử Long và xác định ranh giới bảo tồn. Vào năm 2016 và 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có các quyết định phê duyệt kiểm kê rừng, phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Thế nhưng, trái với các chỉ đạo trên, UBND huyện Vân Đồn vẫn “vô tư” cấp và đổi một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân vào Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Điều đáng lo ngại hơn, theo thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, một số GCNQSDĐ được UBND huyện Vân Đồn cấp mới ở xã đảo Minh Châu đã được người dân mua đi bán lại.
|
|
Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long khảo sát hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện Vân Đồn cấp cho người dân vào Vườn quốc gia Bái Tử Long (tháng 6/2020, ảnh nhỏ). |
Trong buổi làm việc với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề trên, đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết, một số GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do UBND huyện Vân Đồn cấp, đổi cho một số hộ dân trên địa bàn xã Minh Châu chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Theo đó, tại tiểu khu 209A, xã Minh Châu có 29 hộ có diện tích đất lâm nghiệp nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long hiện đang quản lý, nguồn gốc đất là do UBND huyện Vân Đồn giao đất, giao rừng cho dân (sổ xanh) trước năm 2001 (năm Thủ tướng thành lập Vườn quốc gia), nhưng đến nay, trong số hộ trên có nhiều hộ được UBND huyện Vân Đồn cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ (sổ đỏ, sổ hồng).
Cũng trong thời gian gần đây, trong số 29 hộ dân này đã có tình trạng chuyển nhượng ngầm giữa các cá nhân về diện tích đất lâm nghiệp đã quy hoạch đất rừng đặc dụng cho Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Văn Hăng chuyển nhượng cho cá nhân khác với tổng diện tích gần 13,5ha tại tiểu khu 209A. Sau khi chuyển nhượng, đã có hộ cho người mang dao vào rừng để phát cây. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long đã phối hợp với Công an xã Minh Châu ngăn chặn, lập biên bản và thu giữ 3 dao phát rừng, từ đó dẫn đến tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Bái Tử Long rất phức tạp.
Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long còn cho biết, các GCNQSDĐ do UBND huyện Vân Đồn cấp đều có phạm vi ranh giới khu đất thuộc tiểu khu 209A, nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch (theo Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 11/9/2018).
Cụ thể: Ngày 26/9/2018, UBND huyện Vân Đồn cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH00765 với tổng diện tích 17.638,9m2, với mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, thời hạn sử dụng đến ngày 20/12/2049. Ranh giới khu đất được cấp nằm phần lớn trên diện tích bãi rùa đẻ thuộc xã Minh Châu đang được sử dụng với mục tiêu bảo tồn các loài rùa biển.
Ngày 16/6/2020, UBND huyện Vân Đồn cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH00914 với tổng diện tích 134.899,8m2, với mục đích sử dụng là rừng sản xuất và rừng tự nhiên, thời hạn sử dụng đến ngày 20/12/2049. Ranh giới khu đất thuộc khu vực núi Cồn Trụi, xã Minh Châu, theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, thì khu vực này có 7,498ha rừng tự nhiên.
Tại biên bản làm việc với UBND huyện Vân Đồn, ông Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã đề nghị UBND huyện Vân Đồn: Thu hồi GCNQSDĐ trong Vườn quốc gia Bái Tử Long do chưa bảo đảm quy định, quy trình và giải quyết các nội dung liên quan; không tiến hành gia hạn thời gian giao đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân có phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long; thống nhất với Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long rà soát để tiến hành lập phương án đền bù, thu hồi các phần diện tích đất, rừng và mặt nước đã giao cho các tổ chức, cá nhân để giao lại cho Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý.
Trước những sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ nêu trên của UBND huyện Vân Đồn, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc.