Đó là phát biểu của ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT tại Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Truyền thông” được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 28/9.

Báo động ô nhiễm rác thải nhựa

Theo số liệu của Bộ TN-MT, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra.

Chỉ 27% trong số 1,8 triệu tấn rác thải nhựa đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018. 

leftcenterrightdel
Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam 

Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. 

Còn theo bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16% - 18%/năm và có những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%.

Bà Hằng trích báo cáo của Hiệp hội nhựa cho biết, vào năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh.

Một số tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, ở Việt Nam, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/hộ gia đình/tuần, mỗi ngày có hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.

leftcenterrightdel
 Cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm của toàn cộng đồng

Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Thực tế trong thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.

Giải pháp nào cho việc hạn chế rác thải nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Năm 2019, Bộ TN-MT đã đã chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chống lại rác thải nhựa. Theo kế hoạch, đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. 

leftcenterrightdel
 Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam lo ngại về tác động của rác thải nhựa đến đại dương

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong bối cảnh tình hình trên đây, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. 

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 là quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa. 

Theo kế hoạch này, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ và lưu trú du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển.

Tại Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Truyền thông” được tổ chức tại TP Đà Nẵng mới đây, ông Võ Tuấn Nhân -  Thứ trưởng Bộ TN-MT đã kêu gọi phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.

leftcenterrightdel
 Các nhà quản lý, doanh nghiệp và truyền thông cùng bàn thảo về các giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó là việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn.

Thứ trưởng Bộ TN-MT kêu gọi các cơ quan đơn vị tại 28 tỉnh, thành phố có biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định…

Xuân Nha