TT-Huế thiệt hại 174 tỷ đồng, đề nghị hỗ trợ 1.000 tấn gạo
Cập nhật lúc 23:18, Thứ hai, 19/12/2016 (GMT+7)
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt mưa lũ đầu tháng 11 và giữa tháng 12/2016 gây thiệt hại cho Thừa Thiên-Huế 174 tỷ đồng. (Nước ngập , Hùng Vương , tấn gạo, Nguyễn Tri Phương, thiệt hại , tỷ đồng)
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt mưa lũ đầu tháng 11 và giữa tháng 12/2016 gây thiệt hại cho Thừa Thiên-Huế 174 tỷ đồng.
Mưa lũ cũng làm 4 người chết, 10.000 nhà bị ngập, hư hại 521ha hoa màu, cây cảnh; đến sáng 19/12 còn khoảng 2.500 nhà dân bị ngập.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho nhân dân vùng bị ngập lụt và 100 tấn lúa giống, 10 tấn ngô giống, 5 tấn giống rau đậu các loại phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân.
Các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh yêu cầu được hỗ trợ 20 tấn clorine để xử lý môi trường nuôi trồng cho vụ mới.
Khó khăn lớn nhất đối với ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Hu là lượng lúa giống ngâm ủ lên mầm để chuẩn bị gieo sạ cho trên 3.000 ha trong thời gian gần đây bị hư hỏng vì ngập úng trên diện rộng, không thể gieo sạ.
Bên cạnh đó, hầu hết diện tích hoa và rau màu phục vụ Tết khó có thể khôi phục do bị ngâm nước lũ dài ngày khiến cây trồng thối rữa hoặc vàng lá.
Hiện, nước bắt đầu rút xong một số vị trí thấp trũng vẫn còn ngập sâu gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Địa phương đã huy động dân quân cùng công nhân dồn 300 bao tải cát chống tràn trên đê Nho Lâm thuộc hạ du sông Bồ.
Xã Vinh Hải, huyện Phú Vang bị biển xâm thực sâu 30m, dài khoảng 3,3km, rừng phòng hộ ven biển bị sóng cuốn trôi 2,5ha, diện tích gieo sạ 4,7ha bị ngập…
Ngay sau khi lũ rút, chính quyền và người dân các địa phương đã tiến hành khôi phục lại sản xuất bằng việc chuẩn bị ngay lượng giống, thuốc men khử trùng cũng như cứu đói cho người dân vùng khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, đợt mưa lũ lần này tỉnh đã chủ động thông báo trước việc cắt, xả lũ từ các hồ thủy điện cho các địa phương vùng thấp trũng biết và kiên quyết không cho xả vào ban đêm.
Tỉnh cũng chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ đạo các ngành, địa phương bố trí lực lượng túc trực tại các địa điểm quan trọng để sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần thiết.
Các địa phương cũng tăng cường lực lượng kiểm tra những nơi xung yếu, nhất là theo dõi sạt lở bờ biển và đê bao có nguy cơ vỡ để kịp thời xử lý, khắc phục nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người.../.
Theo Quốc Việt/TTXVN/Vietnam+
.