Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam: Có “ôm” tiền của dân trái luật?
Cập nhật lúc 19:26, Thứ bảy, 26/05/2018 (GMT+7)
9 năm nay, hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư của Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc 2 huyện An Lão và Kiến Thụy (TP.Hải Phòng) vẫn chưa được làm “sổ đỏ”. Theo chính quyền địa phương thì lý do là Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam đang “tạm giữ” tiền làm “sổ đỏ” của dân?
|
|
Người dân phản ánh sự việc 9 năm vẫn chưa được làm “sổ đỏ”. |
Dân “dài cổ” chờ “sổ đỏ”
Nhiều hộ dân ở các khu tái định cư ở hai huyện An Lão và Kiến Thụy kiến nghị: gần 9 năm nay, họ bị chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng “tạm giữ” tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ), nhưng đến nay vẫn chưa làm cho dân.
Anh Đào Viết Định (SN 1978, trú tại thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão) cho biết: Nhà nước thu hồi hơn 300 m2 đất của gia đình tôi và bố trí tái định cư tại khu tái định cư Quang Trung. Khi chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB, phía Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI – chủ đầu tư Dự án) đã “tạm giữ” 40 triệu đồng của gia đình tôi. Sau khi nộp tiền, tôi được viết giấy tạm thu tiền giao đất tái định cư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có đóng dấu đỏ của Phòng Tài chính Kế hoạch huyện An Lão. Gia đình tin tưởng khi đóng số tiền đó thì Nhà nước có trách nhiệm bàn giao đất tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi. Thế nhưng, xây dựng nhà từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng vẫn không cấp “sổ đỏ” cho mảnh đất của gia đình.
Cùng cảnh ngộ với anh Định, gia đình bà Đỗ Thị Minh (ở thôn Câu Đông, đang sinh sống tại khu tái định cư của xã Quang Trung) chia sẻ: “Chúng tôi mong được cấp “sổ đỏ” bảo đảm quyền lợi của mình, nhưng chờ hết năm này đến năm khác vẫn không thấy đâu. Đến nay, hơn 9 năm sinh sống trên mảnh đất mới, muốn có vốn để phát triển sản xuất, nhưng nhà không có bìa đỏ thì lấy gì để thế chấp?”.
Chị L.T.H (40 tuổi, ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy) bức xúc: “Vì lý do công việc, gia đình tôi phải chuyển nhà vào TP.Đà Nẵng sinh sống. Mặc dù đã rao bán nhà tại khu tái định cư từ năm 2015 nhưng đến nay tôi vẫn không bán được. Vì nhiều khách đến xem đều thích nhưng khi hỏi “chủ quyền” của mảnh đất thì tôi không có. Ngay cả khi chính quyền xã đồng ý xác nhận vào giấy mua bán nhưng khách mua nhà vẫn không chấp nhận với giấy tờ là giấy tạm thu tiền đất tái định cư”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hàng ngàn hộ dân thuộc các quận/huyện Hải An, Dương Kinh, Kiến Thụy, An Lão phải di dời. Hải Phòng đã xây nhiều khu tái định cư tại các địa phương trên. Đến cuối năm 2012, toàn bộ các lô tái định cư đã được giao cho người dân.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 900 hộ dân thuộc hai huyện An Lão và Kiến Thụy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, huyện An Lão có 690 hộ ở 6 khu tái định cư và ở huyện Kiến Thụy có 190 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân liên tục kiến nghị tới chính quyền nhưng không được giải quyết. Do đó, vấn đề này luôn nóng bỏng tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương.
“Ôm” tiền tỷ của dân?
Trao đổi với PV, lãnh đạo 2 huyện An Lão, Kiến Thụy khẳng định, những bức xúc của các hộ dân ở các khu tái định cư của Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng kéo dài từ năm 2012 đến nay. Đây là kiến nghị chính đáng của người dân.
Theo lãnh đạo huyện An Lão cho biết, năm 2009, do TP.Hải Phòng không có kinh phí thực hiện GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu tái định cư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư VIDIFI đã ứng kinh phí thực hiện.
Khi đền bù, VIDIFI đã tạm giữ 40,8 tỷ đồng tiền tạm ứng đất tái định cư của các hộ dân huyện An Lão, không nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Do đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân không thực hiện được, gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua.
Để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, UBND huyện An Lão đề nghị UBND TP.Hải Phòng yêu cầu VIDIFI chuyển trả số tiền trên cho huyện An Lão để nộp ngân sách Nhà nước để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, cá nhân theo quy định.
Câu hỏi đặt ra là: Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam “ôm” hàng chục tỷ đồng tiền làm “sổ đỏ” của người dân, không nộp vào ngân sách (như phản ánh của UBND huyện An Lão) là dựa trên cơ sở pháp lý nào? Nếu việc “ôm” hàng chục tỷ đồng của người dân trái quy định thì Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam bị xử lý ra sao? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ.
Hoàng Hưng