Trên 95% diện tích đã được GPMB
Nhìn chung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện cơ bản đã bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để các Dự án đi vào triển khai, hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân tại các khu tái định cư cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, công tác GPMB của huyện Tĩnh Gia đang gặp một số khó khăn vướng mắc do liên quan đến nhiều hộ có đất phải thu hồi, việc thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đất đai và các văn bản dưới luật, dẫn đến một chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có những thay đổi, vì vậy tạo ra những so sánh. Đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, dự án tuyến. Quá trình thực hiện phải áp dụng các quy định về cơ chế chính sách cả trước và sau Luật đất đai 2013. Trong cùng một địa phương tồn tại 2 cơ chế: cơ chế thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận cũng tạo ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặt khác tình trạng buông lỏng quản lý đất đai tại các xã trong những giai đoạn trước đây, dẫn đến nhiều thửa đất dân tự làm nhà không phép, sai mục đích sử dụng gây khó khăn phức tạp trong quá trình thực hiện.
|
|
Một góc Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn |
Quá trình thực hiện thu hồi đất, UBND huyện đã luôn xin chủ trương của UBND tỉnh để có các cơ chế, chính sách giải quyết cá biệt vướng mắc cụ thể trong thực tiễn mà các hướng dẫn hiện hành chưa quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Quan tâm và đề cao cơ chế đối thoại, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất. Nên, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện đã phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất 70 trường hợp cố tình đòi yêu sách, chây ỳ không bàn giao mặt bằng, thuộc các dự án trọng điểm Quốc gia, trọng điểm của tỉnh, như: DA Khu C Lọc hóa dầu, DA cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua KKT Nghi Sơn và một số dự án hạ tầng giao thông khác.
Nhằm đẩy mạnh công tác GPMB, giải quyết dứt điểm một số trường hợp cố tình không bàn giao đất cho dự án, hệ thống chính trị của huyện, tỉnh đã kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại nhiều lần, vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách của nhà nước về đền bù, hỗ trợ…, nhưng một số hộ vẫn chưa chấp hành bàn giao mặt bằng. Hiện tại có 16 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất, sau khi hoàn thiện các trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, thời gian qua UBND huyện Tĩnh Gia đã tổ chức họp báo để thông tin cập nhật đến các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về kế hoạch cưỡng thu hồi đất thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện.
Đất rừng “nhầm” … đất ở ?
Ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Hải Hà cho biết: xã có 3 dự án lớn đang triển khai GPMB xây dựng: Cảng Long Sơn, nhà máy Nhiệt điện 2 Nghi Sơn và dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn. Các dự án đều do Nhà nước thu hồi đất cần có biện pháp mạnh trong thực hiện GPMB như: dự án Nhiệt điện được nhà nước giao đất từ năm 2010, nhưng đến 2018 mới triển khai thi công, trong khoảng thời gian chờ đợi nhiều ngư dân ra khu đất đã bàn giao trước đó đổ bê tông làm sân phơi hải sản, làm bãi đậu tàu thuyền và làm lều trông coi tài sản đi biển. Đối với dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn triển khai thi công từ năm 2016, qua kiểm kê có 151 hộ bị ảnh hưởng. Hiện có 11 hộ, liên quan đến 8 chủ đất rừng phòng hộ, đất màu và đất trồng cây lâu năm, các hộ này đang chây ỳ không chịu bàn giao đất cho dự án và yêu cầu chủ đầu tư bồi thường như đất thổ cư hoặc đất sử dụng trước năm 1980, trong khi đó nhà nước mới giao đất, giao rừng sau năm 1994. Trong 8 hộ, có hộ ông Đỗ Ngọc Triều và hộ Mai Thị Hà đã được nhận đất tái định cư và làm nhà tại xã Hải Bình, sau đó quay về mua trên 200m2 đất của dự án để làm lều ở tạm, họ yêu cầu dự án phải bồi thường bằng diện tích đất ở. Đối với hộ bà Lê Thị Thanh (địa chỉ tại số 56 ngõ 187 Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đất rừng nằm trên dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn được xem là “phức tạp” nhất. Vì, năm 2006 bà Thanh đã nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay từ ông Trần Văn Khau công dân xã Hải Hà có đất nông nghiệp ngoài hạn mức (BHK), đất trồng rừng phòng hộ (RPT) chưa được cấp GCN QSD đất sử dụng theo mô hình trang trại. Từ diện tích đất này Bà Thanh đã đòi được bồi thường tiền đất bằng đất đã sử dụng trước 1980, nên không chấp hành Quyết định thu hồi đất của UBND huyện. Ngày 14/8/2018 Ban giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư (GPMB-HT-TĐC) huyện Tĩnh Gia đã có biên bản đối thoại các vướng mắc, kiến nghị của hộ bà Lê Thị Thanh. Nội dung “người đại diện cho bà Thanh không muốn đối thoại…mà yêu cầu trả lời bà bằng văn bản”. Ngày 22/8/2018 Hội đồng BT-HT-TĐC huyện Tĩnh Gia đã có Công văn số 07, trả lời người đại diện cho bà Thanh về diện tích đất được bồi thường, hỗ trợ diện tích 2.932,3 m2 đất rừng, cụ thể: Thửa 23 TBĐ 15 thu hồi 1.610,4 m2 là đất trồng cây hàng năm không được giao (đất khai hoang); Thửa 66 TBĐ 51 diện tích 1321,9 m2 là đất trồng rừng phòng hộ (RPT). Không chấp nhận với kết quả kiểm tra, vì vậy ngày 27/8/2018, Hội đồng BT-HT-TĐC huyện Tĩnh Gia đã mời đại diện cho bà Thanh (lần 3) họp đối thoại. Ngày 12/9 đại diện bà Thanh đã thông báo “bà sẽ đi xuất cảnh nước ngoài để giải quyết việc gia đình ….xin tạm hoãn cho đến khi về nước”.
Vừa qua, UBND huyện đã có công văn yêu cầu UBND xã Hải Hà ra soát và xác định quy trình chuyển nhượng có đúng quy định hay không để khẳng định quyền sử dụng đất của ông Khau hay bà Thanh để cưỡng chế. Ngoài ra hiện còn 50% số hộ có tàu thuyền chưa đồng thuận cao với phương án di dời về các khu neo đậu do huyện đầu tư theo quy hoạch.
|
|
Ngày 28/9 UBND huyện Tĩnh Gia tổ chức đối thoại với nhóm hộ có rừng chưa chịu bàn giao đất cho dự án nhà nước, với sự tham gia của Lãnh đạo xã trong thời kỳ giao đất |
Ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: về trình tự, thủ tục xác định loại đất, tài sản trên đất để bồi thường đối với dự án Nhà nước thu hồi đất, UBND huyện Tĩnh Gia đã thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật đất đai 2013; các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ, ngành Trung ương, các Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và hướng dẫn của Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa về việc quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện phải đảm bảo mặt bằng sạch để bàn giao cho dự án, nên UBND huện đã quyết liệt trong quá trình thực hiện và phối hợp với Chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Đối với dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn lý do một số hộ chưa chấp hành quyết định thu hồi đất để bàn giao mặt bằng, rất có thể họ “chờ” hộ bà Lê Thị Thanh đã mời luật sư bảo vệ quyền lợi xem “giá trị đất rừng phòng hộ có được bồi thường bằng giá đất thổ cư hay không” để hưởng theo. Nghiên cứu hồ sơ chuyển nhượng đất rừng giữa bà Thanh và ông Khau cho thấy quy trình chuyển nhượng không theo quy định tại Điều 127 Luật Đất đai năm 2003, việc chuyển nhượng không thể hiện bên mua và bên bán… Do các hộ hiểu sai về nguồn gốc đất, vừa qua UBND huyện Tĩnh Gia đã tổ chức 02 buổi đối thoại với 8 chủ đất liên quan đến 11 gia đình, được tổ chức tại xã Hải Hà, thì người được uỷ quyền bảo vệ quyền lợi cho bà Thanh lại có giấy báo “xuất cảnh”. Buổi đối thoại được ghi nhận là đạt kết quả, thông qua tuyên truyền các quy định của Luật đất đai, chính sách hỗ trợ đa số các hộ đã hiểu và chấp hành. Đối với các hộ còn lại dự kiến trong tháng 10/2018 UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Phạm Ngọc