Trong khi mức trần thu thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất tăng mạnh thì tỷ lệ chi thực tế cho mục đích này ngày càng giảm trong 5 năm qua.

Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.

Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.

Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách. Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng. Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?

 

 Xăng dầu vẫn là nguồn thu thuế bảo vệ môi trường chính hiện nay. Ảnh: Q.Đ
Xăng dầu vẫn là nguồn thu thuế bảo vệ môi trường chính hiện nay. Ảnh: Q.Đ


Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận bất kỳ người dân nào cũng đòi hỏi sự minh bạch, hiệu quả trong sử dụng các khoản thu thuế. Đơn cử Hà Nội có hàng chục triệu xe máy, ôtô chạy bằng xăng, dầu, nên khoản thu thuế từ số này cũng không nhỏ, song môi trường Thủ đô ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. “Sắc thuế đưa ra với mục tiêu là để bảo vệ môi trường, nhưng chi ra cho mục đích này quá thấp thì không hợp lý”, ông đặt vấn đề.

Trong khi hiệu quả việc chi cho bảo vệ môi trường chưa được đo lường thì tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường đang được lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính lại đề xuất khung thu mới theo hướng tăng mạnh ở nhiều mặt hàng. Các mức tối đa và tối thiểu trong khung này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý điều chỉnh thuế trong từng thời kỳ.

Cụ thể, khung thuế mới với mặt hàng xăng là 3.000 - 8.000 đồng (tối thiểu - tối đa) một lít, thay vì 1.000 - 4.000 đồng hiện nay. Nhiên liệu bay cũng được nới trần lên 6.000 đồng còn dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn có mức kịch khung là 4.000 đồng mỗi lít. Bộ Tài chính cũng đề xuất tính thuế bảo vệ môi trường với cả xăng E5, xăng E10. Hiện xăng dầu đang là nguồn thu chính của thuế bảo vệ môi trường.

Lý giải về đề xuất tăng khung, Bộ Tài chính cho rằng mức thu thực tế hiện nay với xăng (3.000 đồng một lít) và các mặt hàng khác đã bằng hoặc gần bằng mức trần theo quy định (4.000 đồng một lít). Việc này dẫn đến khó điều chỉnh khi cần bởi dư địa còn lại “quá nhỏ hoặc đã hết”.

Cơ quan này cũng giải thích, việc nới mức tối đa khung thuế lên 8.000 đồng mỗi lít xăng ngoài nâng cao hơn nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, còn đảm bảo tính ổn định của chính sách và phù hợp với lộ trình thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế. Việc làm này cũng phù hợp với mức thu của các nước xung quanh, tránh nạn buôn lậu xăng dầu.

“Sau 5 năm thực hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu mới được điều chỉnh một lần (năm 2015) đồng thời với giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% cho phù hợp với cam kết trong Hiệp định thương mại tự do nội khối ASEAN năm 2015”, Bộ Tài chính lý giải.

Tuy nhiên trong các văn bản góp ý về dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường, các bộ, ngành đều đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc với mức khung thuế mới.

Bộ Tư pháp băn khoăn việc tăng mức thuế tối thiểu lên 3.000 đồng và tối đa 8.000 đồng một lít trong biểu khung thuế môi trường với xăng sẽ dẫn tới tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Chưa kể, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính được cơ quan ngành tư pháp nhận xét là “còn sơ sài, không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính trong khi mức thuế bảo vệ môi trường lại tăng 2,5 lần so với mức hiện hành”.

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng 5 năm qua. Như năm 2016, số thu từ loại thuế này chiếm tỷ trọng 4,1% trong tổng thu ngân sách nhà nước và 0,9% trên GDP năm 2016. 99% trong số khoản thu thuế môi trường đến từ xăng dầu. Tuy nhiên, nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Và tỷ lệ này sẽ tăng lên 15% tổng thu ngân sách nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình.

Nhấn mạnh đây là tỷ lệ rất lớn, không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính gần đây đánh giá về lâu dài, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng nhằm đảm bảo thu ngân sách sẽ là giải pháp “lợi bất cập hại”.

Ngoài tăng tỷ lệ trong kết cấu ngân sách, theo tính toán, việc tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng sẽ làm cơ cấu thuế, phí trong mỗi lít xăng, dầu tăng khoảng 13% so với hiện tại. Với mức thu thuế môi trường với xăng là 3.000 đồng một lít, cơ cấu giá mỗi lít xăng đang phải "cõng" khoảng 46% thuế, phí. Tỷ lệ này có thể tăng lên tới 59% trong trường hợp tăng thuế môi trường lên “kịch” khung đề xuất là 8.000 đồng một lít.

Đồng tình với quan điểm Nhà nước dùng các công cụ kinh tế như thuế, phí để bảo vệ môi trường, song ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế (VCCI) đặt vấn đề "không thể lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng, dầu". Bởi theo vị này, ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng mà việc sử dụng nó cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, chẳng hạn than, song lại không bị đánh thuế cao như xăng dầu. Hiện thuế với than chỉ bằng khoảng 1/400 của xăng (quy đổi theo tấn), là chưa hợp lý.
 

Theo Nguyễn Hoà/Vnexpress

.