(BVPL) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Chỉ thị nêu rõ, BHXH là chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo, được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.
Chính sách BHXH, BH thất nghiệp đã từng bước được hoàn thiện, góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được như số người tham gia BHXH hàng năm đều tăng; các chế độ BHXH được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động...
Tuy nhiên, công tác BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế như đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỉ lệ bao phủ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 23% lực lượng lao động, đối tượng tham gia BH thất nghiệp chỉ đạt gần 20%; nhận thức của một số người sử dụng lao động, NLĐ về lĩnh vực BHXH còn hạn chế...
Phấn đấu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH
Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW; nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020 theo yêu cầu Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chấn chỉnh công tác khai trình lao động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, xây dựng phần mềm quản lý lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai trình, cập nhật tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần; tạo điều kiện cho NLĐtham gia BHXH tự nguyện.
Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện chi sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết với cơ quan BHXH để quản lý lao động, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH sẽ bị thanh tra
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho NLĐ.
Kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý được đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; NLĐ đang làm việc, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trên phạm vi cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN.
BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHthất nghiệp.
BHXH Việt Nam cũng cần đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; có giải pháp khuyến khích các địa phương vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Tham gia BHXH là chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương, trình HĐND quyết định; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đã đặt ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, nhất là về trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng lao động, NLĐ khi tham gia BHXH.
H.Anh