Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người có thu nhập 4-5 triệu đồng một tháng nên chọn phương án đi thuê nhà, sau đó tích lũy thêm. Bộ dự kiến đề xuất xây dựng mô hình nhà cho thuê dài hạn 6-12 năm để đáp ứng các đối tượng này.
Về việc nhiều người dân đặt câu hỏi, thực chất thu nhập bao nhiêu tiền có thể sở hữu nhà Hà Nội, Thứ trưởng Nam cho biết, Chính phủ sẽ phải có nhiều gói cũng như loại hình sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
“Với gia đình thu nhập quá thấp khoảng 4-5 triệu đồng thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy, khi đủ tiềm lực mới nên mua nhà", ông Nam cho hay. Theo ông, kể cả nước phát triển như Hàn Quốc, họ đưa ra nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau để đáp ứng nhiều đối tượng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định, Nhà nước sẽ cố gắng lo chỗ ở, chứ không thể lo sở hữu nhà cho người dân. “Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài ngày”, ông Nam nói.
Ở góc độ ngân hàng cho vay, ông Trần Xuân Hoàng – Phó tổng giám đốc BIDV cũng nhận định, người chỉ có thu nhập 4-5 triệu đồng một tháng thì không thể tính toán chuyện mua nhà ở thời điểm này.
“Với mức vay 500 triệu mà thu nhập như vậy thì hoàn toàn không khả thi. Ít nhất mỗi tháng họ phải chi 3-4 triệu đồng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1-2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân”, ông Hoàng lý giải.
* Danh mục các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở của những người có mức thu nhập như trên, ông Nam cho biết sẽ có chính sách phát triển nhà thuê. Hiện nay, người đi thuê nhà phải trả tiền từng tháng nên giá cả liên tục biến động theo thị trường. Do đó, để tránh tình trạng này, ông Nam cho biết đang đề xuất xây dựng mô hình nhà cho thuê hợp đồng kéo dài 6-12 năm. Những người được sở hữu ngắn hạn căn hộ có thể cho thuê lại khi không có nhu cầu sử dụng.
Về tình hình giải ngân cho doanh nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng tại BIDV, ông Trần Xuân Hoàng – Phó tổng giám đốc nhà băng cho biết, mới tung ra được 10 ngày nên đơn vị này đang phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai.
“Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng tiếp cận nguồn vốn như thế nào rồi mới đưa ra quyết định vay vốn. Tôi nghĩ rằng mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân”, ông Hoàng cho hay.
Một số chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về việc gói 30.000 tỷ đồng sẽ làm phức tạp thêm tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Hoàng cho rằng, đây không phải là điều các nhà băng chưa tính đến. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện chính sách, các nhà băng cố gắng tạo cơ chế ký hợp đồng 3 bên gồm ngân hàng - chủ đầu tư và người vay.
Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định gói hỗ trợ 30.000 tỷ không thể giải quyết nhà ở cho tất cả các đối tượng thụ hưởng. "Người đi vay cũng phải đáp ứng đủ điều kiện hoàn trả cả gốc lẫn lãi thì mới được giải ngân. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này", ông Mạnh cho biết.
Theo Ngọc Tuyên
VnExpress