Thua lỗ kéo dài, lượng nhà tồn tăng thêm, hủy niêm yết trên sàn chứng khoán… bức tranh bất động sản (BĐS) vẫn chưa sáng sủa, theo báo cáo tài chính của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đang công bố.


Nhân tố lỗ mới xuất hiện ít ai ngờ đến là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín-Sacomreal (SCR), lỗ ròng của quý 2 là 56,3 tỷ đồng. Trong giải trình nguyên nhân lỗ, lãnh đạo SCR cho hay lý do chính là thị trường BĐS năm 2013 khá trầm lắng, dẫn đến lãi gộp quý 2-2013 giảm so với cùng kỳ, chủ yếu giảm từ doanh thu môi giới; thu nhập từ công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Sài Gòn Tân Thắng giảm. Việc lỗ của SCR khá bất ngờ bởi đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS, không chỉ đầu tư hàng chục dự án có vị trí đẹp mà còn có hệ thống môi giới thuộc hàng đầu tại TPHCM!

Không chỉ lỗ lã, hàng tồn kho càng dày thêm cũng là vấn đề nan giải của hàng loạt doanh nghiệp hiện nay. Mới đây, tại hội nghị “Gặp mặt doanh nghiệp niêm yết năm 2013” tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, năm 2012 số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng 64,8%, năm nay tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong kỳ không được tốt, giá trị hàng tồn kho tăng nhẹ, tương đương 30.000 tỷ đồng.

Còn tại sàn chứng khoán TPHCM, chỉ tính riêng trong lĩnh vực BĐS, thống kê sơ bộ từ 40 công ty trong lĩnh vực BĐS hoặc liên quan đang niêm yết cho thấy hàng tồn kho gần 80.000 tỷ đồng!

Tái cấu trúc mạnh mẽ

Trong bối cảnh thị trường chưa có gì sáng sủa, nhiều công ty đã duy trì sự tồn tại bằng hàng loạt giải pháp như tiết giảm chi phí, cắt bỏ dự án, thu gọn bộ máy…

Tiết kiệm là quốc sách, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai “thấm thía” điều đó khi năm nay lần lượt thoái vốn khỏi 2 công ty con, mỗi công ty con chỉ duy trì 3 người! Ông Phạm Văn Viết, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, cho biết lợi nhuận có được kha khá năm nay là nhờ một phần “tiết kiệm chi phí tối đa”!

Tiếp tục thu hút sự chú ý đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, ngày 19-8, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã họp và công bố với các cổ đông phương án tái cấu trúc “chấn động”: gần như bán hết tất cả các lĩnh vực.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho biết BĐS đã và đang bán thuộc diện dự án hoặc cổ phần gồm có: dự án Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) 35,3ha; Phú Hoàng Anh giai đoạn 2 (Nhà Bè); Phúc Bảo Minh (quận Tân Phú); Minh Tuấn (quận 9); Minh Thành (Hóc Môn); Hoàng Anh Incomex (quận 7); Bình Chánh; An Tiến (Nhà Bè) cùng các công ty mua bán vật tư, quản lý căn hộ… Riêng thủy điện, HAG đã bán xong 4 thủy điện. Về quặng sắt, bán luôn cả 3 mỏ công ty đang sở hữu tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đối với lĩnh vực gỗ- đá, ngành HAG khởi nghiệp, sẽ bán đến 80% cổ phần cho người lao động. Tài sản còn lại của HAG gồm có: cao su, mía đường, cọ dầu đang trồng ở Lào, Campuchia; BĐS là những dự án có vị trí đẹp nhất tại TPHCM, đó là khu văn phòng và trung tâm thương mại tại Kênh Tẻ, khu căn hộ ven sông Tân Phong (quận 7); khu phức hợp căn hộ văn phòng đường 2-9 Đà Nẵng; khu căn hộ Hoàng Anh Bangkok (Thái Lan) và chủ lực là khu phức hợp tại Yangoon, Myanmar.

Tại sao phải bán? Ông Đoàn Nguyên Đức giải thích: Chiến lược công ty định hướng lâu dài phải gọn lại, không phân tán và cần vốn cho lĩnh vực phát triển tốt nhất, tức công ty mẹ phải có sức khỏe tốt nhất. Các lĩnh vực và dự án phải bán vì ít hiệu quả, bán đi để dồn sức cho nông nghiệp cũng như phát triển dự án tại Myanmar, đồng thời giảm bớt nợ của công ty mẹ.
 

Theo Lương Thiện
Sài Gòn Giải Phóng

.