(BVPL) - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, qua hơn một năm triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng... việc thực hiện từng bước phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, được người dân, các doanh nghiệp hết sức hoan nghênh.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính có khoảng 4.000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013. Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình giao dịch cũng khả quan hơn, các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2. Tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đã giảm 45.029 tỷ đồng (trên 35%) so với quý I năm 2013, trong đó Hà Nội giảm 36% (so với quý I/2013) và TP. Hồ Chí Minh giảm 45%.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho hay, thực tế các dự án nhà ở xã hội đều làm đến đâu hết đến đó, chẳng hạn như: Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (qua hai giai đoạn) trên 2.000 căn hộ, hay dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do HUD và Cty CP Bic Việt Nam phối hợp thực hiện với quy mô 1037 căn hộ cũng đang được người dân đón chờ.
Về kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/5/2014, tổng số tiền 05 ngân hàng đã cam kết là 3.954,4 tỷ đồng (tăng 225% so với thời điểm 31/12/2013), tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Trong đó: Đối với hộ gia đình, cá nhân: Ký hợp đồng cam kết cho vay 5.378 hộ với số tiền là 2.060 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 5.368 hộ với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng. Đối với tổ chức: Cam kết cho vay 23 dự án với số tiền là 1.894,4 tỷ đồng, TP. Hà Nội có 04 dự án với số tiền 369,4 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 02 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 19 dự án, dư nợ là 812,6 tỷ đồng, TP. Hà Nội có 04 dự án với dự nợ là 194 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh có 01 dự án với dư nợ là 244,6 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở vẫn còn khó khăn, vướng mắc: Đây là gói tín dụng cho vay trung và dài hạn, muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì mới cho vay được, nhưng hiện nay nguồn cung còn ít nên chưa thể giải ngân nhanh. Trong khi đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định của Nghị quyết 02... khiến nguồn cung còn thấp so với nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn quy định quá thận trọng và chặt chẽ, thậm chí đặt ra quy định riêng mà nhiều khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được hoặc quá chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng khiến người dân và các doanh nghiệp… nản. Hơn nữa, vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngại ngần tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đó là lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân...
Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đề xuất và kiến nghị: Kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Đáng chú ý, mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng theo quy định; đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị có khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP (ngoài các trường hợp mua, thuê nhà ở thương mại là nhà chung cư có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP).
Cùng với các giải pháp trên thì giải pháp quan trọng hiện nay đó là các địa phương đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... phải vào cuộc quyết liệt hơn, tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư.
Đồng thời, để đảm bảo sự minh bạch, và quyền lợi của người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, hiện Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra việc xác định giá bán của các nhà ở xã hội trên địa bàn 3 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để xử lý nếu doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội có giá bán cao hơn quy định.
Hoàng Trâm