Kỳ vọng xóa "điểm nóng" về môi trường

Sau Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 mở rộng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã ra thông báo chỉ đạo triển khai các đột phá về phát triển kinh tế xã hội trong đó có việc đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường. Trên cơ sở thông báo này, UBND TP.Đà Nẵng đã triển khai Chuyên đề "Tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường".

Chuyên đề tập trung thực hiện việc phân giai đoạn để xử lý những "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường còn tồn tại. Theo đó, một số Trạm xử lý nước thải được xây dựng và đưa vào vận hành như: Trạm xử lý nước thải  trung khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh; KCN Liên Chiểu, Hòa Xuân và Trạm xử lý nước thải trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng. Bên cạnh đó là việc xây dựng và cải tạo các tuyến cống mương Khe Cạn, kênh và cống thoát nước từ KCN Hòa Khánh đến sông Cu Đê, hệ thống xử lý nước rỉ rác bãi rác Khánh Sơn, hệ thống thu gom nước thải dọc kênh Phần Lăng đồng thời lắp đặt và truyền số liệu quan trắc tự động liên tục nước thải tại các trạm xử lý về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để theo dõi...

Với việc đầu tư xây dựng các công trình như vậy, TP.Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2019 một số điểm nóng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo KTS Tô Văn Hùng – Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, việc phát triển "nóng" đã khiến cho thành phố phải đối diện với nhiều bất cập về môi trường. Đơn cử như diện tích cây xanh bình quân đầu người chưa đảm bảo. Thành phố còn thiếu 1 diện tích khá lớn đất dành cho đầu tư xây dựng hệ thống công viên cây xanh.

leftcenterrightdel
Nhiều công ty tại khu công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng gây ô nhiễm môi trường 

Bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng về du lịch đã khiến toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển không đủ sức chịu tải khi toàn bộ phần đất trước đây quy hoạch dành cho đất ở thì nay trở thành đất khai thác dịch vụ du lịch, lượng nước thải sinh hoạt thải ra môi trường vượt quá khả năng cung ứng theo tính toán. Nước sạch dành cho sinh hoạt của người dân còn thiếu.

Hơn thế, hệ sinh thái phía tây TP cũng đang bị hủy hoại bởi tình trạng khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát.

Cần những giải pháp bền vững

Nói về những giải pháp bền vững để xây dựng TP.Đà Nẵng thành một thành phố môi trường, KTS Tô Văn Hùng – Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, cần thiết phải xây dựng nhiều hơn nữa các công viên “mini” trong lòng thành phố. Những công viên này nên xây dựng theo kiểu tận dụng tối đa những khoảnh đất thừa, đất rẻo trong đô thị để tăng diện tích cây xanh cho thành phố. Tận dụng tối đa không gian trong đô thị để làm những sân chơi bổ ích dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên vào các mục đích sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện thân thể.

Không những thế, còn cần tạo sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng nước và khả năng cung cấp nước khu vực. Điều này được thực hiện thông qua các giải pháp là gìn giữ nguồn nước tự nhiên kể cả nước mưa, việc tạo ra những hồ điều hòa trong các khu đô thị cũng như có 1 bể nước mưa trong mỗi gia đình; phục hồi các nguồn nước đã bị hư hại thông qua hệ thống lọc, trạm xử lý chất thải.

Ngoài ra, TP.Đà Nẵng nên tiếp tục phát huy hơn nữa các phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, trường học xanh, cơ quan xanh, quận/huyện môi trường... với tiêu chí cụ thể, như: mỗi em học sinh sẽ trồng một cây xanh/1 năm học, mỗi nhân viên văn phòng tham gia đóng góp quỹ dành cho việc trồng và chăm sóc cây xanh trong công sở, mỗi doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn sinh sống trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí phát triển mảng xanh, quỹ chăm sóc cây xanh nơi công cộng hay tặng cho các thành phố những công viên “mini” trong các khu dân cư….

"Làm thế nào để Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường, trở thành một thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai. Tất cả đều bắt đầu từ suy nghĩ, từ hành động, từ giải pháp cụ thể của chính mỗi công dân Đà Nẵng hôm nay”- KTS Tô Văn Hùng nói.

Xuân Nha